Gốm ÔNG MẶT TRỜI tự giới thiệu (phần 1)
I/ Tại sao có tên Gốm Ông Mặt Trời ?
Khỏi phải nói chúng ta sẽ dịu dàng liên tưởng giữa lửa & mặt trời, nếu làm thơ trên gốm & về gốm. Khỏi phải nói chúng ta sẽ dịu dàng liên tưởng giữa lửa & gốm. Có vậy. Tuy nhiên cần tiết lộ bí mật này, đấy là do cậu bé chưa đầy 2 tuổi rất thích sáng sáng thấy bình minh và mặt trời ló rạng, chiều chiều được nhìn mặt trời lặn. Đôi khi phải cho bé xem ảnh chụp cảnh tà dương (điều này có thể dễ đáp ứng, trong vi tính đã sẵn).Cậu rất khoái vẽ mặt trời. Đối với cậu, mặt trời là niềm say mê, không nhạt, không chán. Vừa vẽ, cậu vừa luôn mồm giải thích rằng cậu đang vẽ gì. Cậu ta xài tốn nhiều giấy để vẽ ông mặt trời & mấy thứ trên trời, ví dụ mây bay, chim bay - gọi chung là bầu trời. Ba mẹ cậu giữ lại được một xấp kha khá những tranh như thế. Sẽ có lúc công bố một vài trong số đó. Hứng khởi của cậu khiến ông tiến sĩ silicat ngạc nhiên và thích thú gọi cậu bằng cái tên âu yếm: Ông Mặt Trời.
Khi muốn phó thác cho ngôn từ một dấu hiệu làm biểu trưng cho nhóm chúng tôi, chúng tôi nghĩ ngay đến cái tên này. Gọi vậy dễ thường khả dĩ đại diện cho nhóm. (Nó không hàm chứa điều gì to tát. Đừng mất công suy diễn). Cách gọi này, giản dị chỉ liên quan đến chi tiết rất riêng. Vậy xin thưa trước.
II/ Tại sao nghĩ đến việc chơi với đất ?
Có người hỏi đùa: Có phải vì chán người nên chơi với đất? Tôi cười. Nói chán người cũng hơi quá, nhưng quả thật đôi phen chơi với người bị người làm cho liêu xiêu và trong mớ kinh nghiệm sống ít ỏi, không khỏi đôi lúc gặp chút thất vọng.
Lại có người rất thân tình trách nhẹ, trách cũng rất thân tình rằng nói như thế e sái lắm. Tôi cũng cười. Ai mà chẳng có lần phải về với đất, việc chơi với đất, nghịch đất chẳng phải không đáng yêu hay sao. Thôi thì nói chơi với gốm vậy. (Chiều lòng nhưng vẫn ấm ức vì chơi với người ắt khác chơi với đất). Đất hiền, có lúc bướng nhưng không ác ý. Hiểu nết đất, chơi không bao giờ chán. Dưới bàn tay ta, đất ngoan ngoãn thể hiện những gì ta muốn.
Không biết nghĩ như vậy có chủ quan không!
III/ Những ai tập hợp trong nhóm?
Bỗng dưng mấy gã nhà quê sau mấy cốc bia, loạng choạng nghịch đất và reo hò tán thưởng lẫn nhau (tâng bốc nhau thì đúng hơn) rằng cục đất nọ thật hay, cục đất kia thật đẹp. Ôi chao, tự hát tự khen, xoàng thôi, cổ kim vẫn vậy. Nay có thêm bạn gật gù, phỉnh nịnh; cầm bằng mở cờ trong bụng, gì mà không phởn chí. Đã là mấy gã nhà quê, từ tấm bé đã đánh vật với hòn đất. Rồi số kiếp đưa đẩy, những con cua đồng chúng tôi bèn bò ra cổng tỉnh. Ấy thế là đi dọc nhưng bò ngang, lớ ngớ đủ điều, giơ hai cái càng bé xíu lên doạ bóng doạ vía những kẻ bắt nạt mình, nhưng chẳng doạ được kẻ thù nào. Đôi ba phen vẫn bị chúng “dạy” cho cái điều mà chúng tuyên bố rằng để biết thế nào là lễ độ(!). Loay hoay tìm một chốn trú thân khó quá, thấm thía câu cửa miệng dân gian: miếng đất cắm dùi. Thôi thì không có đất trải rộng sào nọ, mẫu kia, ắt kiếm vài cục sét tạo tác thế nào đó, phủ men thế náo đó, giữ lửa thế nào đó để có sản phẩm gốm trang trọng bày trên tủ, trong hốc tường, tự thưởng thức, tự vui, âu cũng tìm được niềm an ủi.
a. Nhóm chúng tôi có gã là hoạ sĩ, cử nhân dân tộc học, làm thơ.
Hắn ta viết về gốm thế này:
GỐM
Người ta gắng gỏi thể hiện hoa trên nhiều chất liệu
Rằng hoa mỏng và mềm
Rằng hoa dễ bị gió làm cho rung rinh
Rằng hoa dễ bị giọt nước làm cho long lanh
Tôi nhào sét thành bùn
Tôi phơi bùn thoát li trạng thái sền sệt
Bàn tay thô tháp của tôi mê mệt:
(hoa đang nhập hồn vào hoa)
CẢM XÚC NHẶT MẢNH GỐM
Nếu không diễn ra tai hoạ ngẫu nhiên
lửa liếm đất
hỏi nhân loại bao giờ mới có gốm
Nếu không có tai hoạ ngẫu nhiên
vỡ đến tan tành sự thật
sao có cơ hội tìm ra nhau.
b. Nhóm chúng tôi có một nữ hoạ sĩ và là thi sĩ, có mối liên hệ xa hơn với gốm và từ gốm:
ẤN TƯỢNG KHÔNG GIAN
1. Con chim trong lồng đau đáu nhìn lên trời xanh
2. mênh mông gợn sóng Biển cũng trong lòng tay nhưng có bao nhiêu anh hùng gục ngã trước tia nắng cuối cùng rọi lên mặt biển.
3. Những cánh hoa rung rinh trong căn phòng chật hẹp không thể dụ được con ong đến tìm mật.
4.Có những người xoay ngược xoay xuôi vẫn chỉ là bốn bức không gian, cớm nắng, ngày cũng như đêm. Đôi khi họ ào qua phố phường, ào qua công viên, quyến luyến một cơn gió, lật ngược tâm trạng ngổn ngang biết mấy lo toan hòng tìm thấy một cái nhìn. Ai dè chỉ được một cái nhìn bạc nhược, còm cõi. Một cái nhìn đựng cả thế gian? Tiến gần, chỉ thấy sự thô ráp, rối tung. Lùi ra xa, không gian dựng lên sừng sững.
5. Nhưng con chim vùng vẫy bốn phương trời cuối cùng vẫn phải tìm về tổ.
6. Phía trong những bức tường bực dọc vẫn là nơi nghỉ ngơi mời mọc.
DƯỚI MẶT TRỜI MỆT MỎI
Cái khoảng tối
Xấp xỉ tuổi đôi mươi
mất
tưởng tượng rơi từ ngọn cây
chạm phải chân tia nắng
mọc thành cỏ hoang
xúc động mệt mỏi dưới mặt trời
dưới mặt trời mệt mỏi
có một gã hài hước
ngợi ca một vùng khô
IV/ Từng học gốm như thế nào?
Không thầy đố mày làm nên - các cụ vẫn bảo vậy. Thế là khăn gói quả mướp, tầm sư học đạo. Là nói chúng tôi đấy. Chúng tôi đi tìm thầy để học. Thầy này bảo khó. Thầy kia bảo tuỳ duyên. Thầy nọ bảo vân vân … Nhiều kiểu bảo lắm. Chung qui có lẽ như người ta vẫn nói rằng các thầy giấu nghề. Giấu từ việc vo viên đất, giấu đến việc lăn cho đất thành sợi...
Điếc không sợ súng, chép miệng mà rằng, những việc ấy chắc không thể không học được, nếu không học chỗ này thì ta học chỗ kia và thế là tiếp tục hành trình vạn dặm bởi cái quen đã quen, cái lạ thì vẫn còn xa & nguyên cái lạ lạ. Biết tìm nơi nào.
Học mót đôi điều, thiếu bài bản, ít hệ thống. Tư chất ngu độn, khó lĩnh hội. Không có khả năng thấu hiểu thế nào là căng khối, thế nào là làm vui khối. Thiệt thòi đáng tiếc!
V/ Vô thư vô sách, quỉ thần bất trách
Chuyện kể rằng có 3 anh mù đi xem voi, một anh sờ được chân voi và bảo con voi giống như cái cột đình. Một anh sờ trúng cái vòi liền tuyên bố con voi giống con đỉa. Anh thứ ba bảo voi như cái quạt vì anh ta sờ được cái tai.
Chúng tôi nào có khác gì - khi muốn làm một cái gì đó về gốm đương đại. Đã tốn khá nhiều thời gian để háo hức theo “con đường gốm sứ” men theo đê sông Hồng ở Hà Nội. Nghe nói con đường gốm sứ này không chỉ là tinh hoa mà còn có giá trị cao về mặt tiền bạc.
Có một cụ già biết dăm ba câu chữ Hán, vui lòng nho nhe ban cho chúng tôi vài chữ, thế là chúng tôi xoay trần ra với đất. Vô thư vô sách, quỉ thần bất trách. Không sách vở, nghĩa là không được bảo ban, mông muội, quỉ thần còn không trách nữa là.
* Sự học không ở quán bia, không ở cuộc nhậu nhưng đôi khi trong hoàn cảnh ẩm ương đó ta có thể thu lượm được những kinh nghiệm thường buồn, đôi khi giữa những lời ngọt ngào dối trá ta tóm được lời dạy khôn ngoan. Như gốm, phải nung qua lửa. Bị hun trong lò bát quái, lão Tôn đã trở nên bản lĩnh hơn.
* Đi đường, người khôn thường cắm cúi nhìn xuống mặt đường. Anh ta không những không vấp, không trượt, còn có thể nhặt được khối thứ, có thể là hoa tai vàng, có thể nhẫn kim cương…Chỉ tiếc một điều anh ta gặp may nhiều quá, không mơ mộng hoặc chỉ mơ chuyện tiền nong và mọi thứ đều bị qui đổi thành tiền. Cái người lụi cụi cắm mặt xuống đường sống một đời an toàn trong vỏ ốc, không bao giờ sự nhận được sự ngưỡng mộ của chúng ta - những tâm hồn không cam tâm bị nô dịch của các món lợi món danh lấm bụi, lấm bùn nằm nhẫn nhục trên đường bị bao nhiêu bàn chân xéo lên mà không hề thức dậy tính tự trọng (!!!).
* Có ối người khôn hơn chúng ta. Chỉ cần nêu vài trường hợp là đủ bằng chứng rằng chính chúng ta, tôi và bạn, kém họ nhiều lắm trong cái khoản lèo lá trước ở cái vẻ khúm núm ăn ghém bằng cái cười cầu tài, kế đến rót ngọt xớt dăm ba câu nịnh hót lợm mửa.
VI/ Chia sẻ
Cũng như một số người khác, chúng tôi cũng “nặng lòng” (tâm sự nặng nề trong lòng), những đại sự dở dang, ngày tháng trôi vèo, lực bất tòng tâm, kẻ thù vẫn nhơn nhơn ra đấy, uống chén trà trong sương sớm cũng không vơi nặng lòng.
Thế là bộ đồ trà nặng lòng ra đời.
Mươi người nhìn cái hình thù meo méo và tỏ ra thương hại. Thương hại cho cục đất, thuơng hại người làm ra nó và thầm hỏi, kẻ sáng tạo đã bế tắc thế này ư? Không có khả năng tạo ra cái ấm tròn, cái chén tròn? Buồn!
Rồi một ông tiến sĩ silicat xuất hiện, ông ta ngắm nghía cái chén, ngắm nghía lọ hoa vặn vẹo, ngắm nghía cái bình không vuông vức và gật gù: chơi được đấy. Hình như ông ta tìm được chỗ để chơi. Thế là vui mừng vì có người chia sẻ.
Ông ấy là VŨ NĂNG THI nổi tiếng của thương hiệu GỐM THI NGUYÊN nổi tiếng.
Niềm lạc quan đó thật có ý nghĩa. Chả trách người xưa từng phóng đại rằng soi đèn giữa ban ngày để tìm bạn, tìm sự kết giao chan hoà.
Với chúng tôi, niềm hào hứng khích lệ từ những sản phẩm gốm tiếp tục xuất hiện với nhiều vẻ tạo hình và nhiều vẻ men reo vui sau những quầng lửa.
Có ai đó nói đùa về sự xuất hiện thêm một dòng gốm quái. A ha ha!
VII/ Về cậu bé Nhật Ánh
Khi dang mang thai, biết là trai, ba mẹ đã đặt tên con mình là Nhật Ánh. Cậu bé sinh giờ ngọ, nếu tin vào những suy diễn nhảm nhí, biết đâu sẽ nhảy cẫng lên áp đặt cái gọi là tiên tri. Cậu chào đời vào một ngày hè nóng kinh khủng. Và mới mấy tháng tuổi, Nhật Ánh đã phải biết đến trận lụt rất to ở Hà Nội năm 2008. Đêm ào ào mưa gió, ba mẹ Nhật Ánh ôm con chạy lụt cùng lỉnh kỉnh vật dụng thiết yếu cho củi lửa & chữ nghĩa.
Có thể lụt không làm đầu óc non nớt của cậu sợ hãi. Và biết đâu cái vẻ mênh mang ngập nước đã để lại ấn tượng thích thú cho cậu. Bây giờ cậu thích xem chớp, nghe sấm, nhìn mưa, nhìn cầu vồng. Buổi sáng trên đường đến nhà trẻ cậu đòi cho bằng được đi xem ao nước đầy. Đón cậu từ nhà trẻ về cũng phải dong dong vòng qua cái ao rộng buổi chiều tà, để xem sóng lăn tăn - cậu nói vậy. Ban đêm, được ngắm trăng, đếm sao, cậu khoái lắm. Ít nhất cũng phải nhìn mặt ao soi ánh đèn & xem cá đớp ngôi sao, theo lời cậu. Thi thoảng dẫn cậu qua bên kia sông Hồng, hoặc bằng cầu Thanh Trì, hoặc bằng cầu Vĩnh Tuy, hoặc bằng cầu Chương Dương, hoặc bằng cầu Long Biên; lần nào nhìn sông, Nhật Ánh đều tưởng đó là Ao Nước Đầy rất to.
Chưa đầy 2 tuổi, Nhật Ánh đã vẽ nguệch ngoạc bằng những nét lóng ngóng.
Tranh nguệch ngoạc của Nhật Ánh trông tình cảm hơn tranh của người sinh ra nó. Những bàn tán này khiến ba nó ngạc nhiên. Hãy xem tranh của Nhật Ánh. (xem tranh)
Ngoài vẽ tranh, Nhật Ánh cũng thích vầy đất. Cậu thích cá, cua và cóc. Cua và cóc, dĩ nhiên khó vẽ, khó nặn. Nghịch đất sau ấn tượng cá trong bể nuôi cá, sau ấn tượng theo mẹ ra chợ cá mua cá để có được mấy con cá đất theo kiểu Nhật Ánh.
Ba của Nhật Ánh sắp đặt hộ con trai sao cho có được một bố cục gần với sự ngây ngô trẻ nhỏ và đặt tên những “tác phẩm” đó là “Ao nước đầy”, đánh số theo dãy số liệt tiến - số liệt tiến tự nhiên số đếm 1\2\3...Gốm ÔNG MẶT TRỜI tự giới thiệu (phần 2)
Sang trọng trong sự bình dị là điều khó, tưởng chừng khó dung hoà hai thuộc tính đầy mâu thuẫn. Bình dị mà kiêu sa không phải hiếm gặp. Chẳng phải vàng ngọc mà được nâng niu. Chẳng phải kim cương mà tôn thờ như vật báu. Đó là thứ làm từ đất & nung qua lửa.
VIII/ Vẫn còn khát khao tìm bạn tri âm
Biết không dễ. Để nói ra điều đã biết cũng chẳng dễ chút nào. Kia thôi, biết mà không dám nói!
Không chỉ có vậy, trớ trêu thay biết nói cùng ai! Để trong lòng, nặng lòng. Không thể không nói. Bởi vậy khi biết hoàng đế có cái tai lừa bèn đào hố đất và nói những lời đó xuống hố và lấp đất. Điều bí mật đã được phủ kín. Nhưng rồi những cây sậy mọc lên từ cái hố đó. Những khi gió thổi, sậy lại xào xạc với thiên hạ: “Hoàng đế có cái tai lừa !”
Nếu trên đời có nhiều tri âm tri kỉ thì xưa nay chẳng cần trầm trồ tán tụng và thèm khát Bá Nha, Tử Kì. Mấy ai có phúc gặp được. Hiếm. Rất hiếm. Dẫu sao vẫn cứ trông chờ. Tìm tri âm khó hơn tìm vợ tìm chồng.
IX/ Phụ lục
Sang trọng trong sự bình dị là điều khó, tưởng chừng khó dung hoà hai thuộc tính đầy mâu thuẫn. Bình dị mà kiêu sa không phải hiếm gặp. Chẳng phải vàng ngọc mà được nâng niu. Chẳng phải kim cương mà tôn thờ như vật báu. Đó là thứ làm từ đất & nung qua lửa. Không chỉ có thất bảo mới là quí tộc. Gốm được chuộng không kém. Đất nung đẹp & duyên như nàng công chúa Ốc. Nghe nói ở Trung Hoa xưa, các đại gia khi chạy loạn vẫn không quên gốm, cố ôm theo mấy bình gốm tha hương.
X/ Phụ lục của phụ lục
Chỉ bị đập vỡ, gốm mới chịu thua. Nếu không, gốm cứng cỏi, không chịu để cho mình hoen rỉ (như kim loại), không chịu để cho mình chóng lão hoá (như đồ nhựa), không chịu dễ phai sắc (như cô gái hồng nhan)
Đôi khi nhặt được mảnh gốm (gốm vỡ) cơ hồ còn quí hơn khối chiếc lành nguyên!
Đôi khi cũng như nhiều hiện tượng khác dốc sức tìm tòi bấy lâu không thấy, bỗng dưng đào bới xới lộn lung tung, tình cờ lại được. Men cũng trêu ngươi như thế. Có nghệ nhân “trời cho” thứ men đó chỉ một lần, muốn làm lại, không thể!
Đôi khi ngồi một mình càng ngắm gốm chợt hiện lên nhiều màu, nhiều vẻ huyền hoặc như những truyện Liêu trai với bao nhiêu tình tiết kinh dị - kinh dị một cách đáng yêu!
Có thể là thế này, rồng uy nghi đẹp một cách dữ tợn, mềm mại một cách đe doạ, bí ẩn một cách phô bày - rồng mãi mãi vẫn là rồng, dẫu là con vật huyền thoại. Đừng cho rằng rồng cũ kĩ. Nó vẫn biến ảo như xưa. Còn thích hay không tuỳ tạng từng người.
Có thể là thế này, tranh trừu tượng trên gốm mở ra nhiều “trường” thưởng thức phụ thuộc tố chất từng người, trong đó có trình độ thẩm mĩ, sự từng trải & khả năng tưởng tượng. Những đám mây kia biến đổi phong phú biết mấy, nó có hình gì, không ai thấy giống ai.
Có thể là thế này, đừng vội cười khẩy khi thấy những bức tranh như ảnh chụp, dẫu từ khi máy ảnh ra đời, nó đã đảm đương “sứ mạng chụp” rất hoàn hảo, chưa đủ, rất mĩ mãn. Những tranh này như bê thiên nhiên ở đâu đó đặt trước mắt mình. Tài đấy chứ. Thích hay không tuỳ tạng từng người.
Có thể là thế này, có món đồ gốm đẹp trong nhà để biết mình giàu (& chịu chơi\chơi sang), nhưng ít thì giờ ngắm nhìn nó (vì nhiều bận bịu này nọ). Tiếc thay, à không phải, tội nghiệp thay! Biết đâu nó sạch bụi, tinh tươm là do bàn tay đầy tớ săn sóc!
Có thể là thế này, có hôm nào thư nhàn đến chơi thăm nhà khảo cổ học. Người này tỉ mẩn & trân trọng gẩy từng tầng thời gian đặng tìm kiếm những mảnh vụn bây giờ được coi là quí ẩn náu trong đất rác lãng quên từ xa xưa. May chăng tôi & bạn được thơm lây cái đức đãi đất tìm dĩ vãng.
Có thể là thế này, có hôm nào đẹp trời ta bày ra sân phơi phong những thú vui ta từng có trong đời. Nếu chẳng dè gia tài niềm vui của ta ít ỏi, âu cũng đừng buồn. Nếu chẳng dè sưu tập của ta chả mấy đẹp, âu cũng đừng buồn. Thôi, hãy rũ bỏ phiền lòng, nào đến thăm bảo tàng nghệ thuật.
Có thể là thế này, một cánh hoa ép khô tình cờ “vớ” được giữa những trang sach cũ, bỗng hiện ra một nếp gấp quá khứ, thậm chí cả một chuỗi quá khứ của một thời quá khứ. Tài tình hơn & bí hiểm hơn, nâng chén trà trên tay, ngắm nghía chiếc chén thức dậy một liên tưởng xa vời hồ dễ chẳng ăn nhập gì với hiện tại.
Có thể là thế này, hầu như có cớ hoặc không có cớ thì nỗi buồn chẳng bao giờ vô lí.
Mời ngài nhấp ngụm trà cho vơi buồn. Chẳng có nỗi buồn nào nông nổi. Tuy vậy ta không cam chịu để nỗi buồn nào trĩu nặng nào đó dày xéo ta mãi!
Đêm buông
Đen như mực.
Từ phía sông Makimucu
Sóng ì ầm vọng lại…
Không lẽ trời đang dông?
(MANHIÔXƯ \ Thơ cổ Nhật Bản - Thái Bá Tân, dịch)
Có thể là thế này, hầu như có cớ hoặc không có cớ thì nỗi buồn chẳng bao giờ vô cớ, chẳng bao giờ nỗi buồn không in một vết lõm lên ngoại cảnh.
Từ núi Kiômi
Đi Ôhara,
Tôi mải nhìn xung quanh, sóng lặng -
Biển xanh, trời xanh yên ắng,
Lòng tôi buồn mênh mông -
(MANHIÔXƯ \ Thơ cổ Nhật Bản - Thái Bá Tân, dịch)
Mời ngài nhấp ngụm trà cũng để buồn thêm. Thấm thía nỗi buồn tuyệt nhiên không là bất hạnh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét