Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Thư của một người già gửi nhiều người già hộ những người trẻ

Một người trẻ (Bùi Hoàng Tám chấp bút)

Bức thư này không phải những người trẻ không viết được. Thậm chí là “nạn nhân”, họ viết còn hay hơn cái “lão già” Bùi Hoàng Tám này nhiều. Họ không dám viết bởi sợ bị qui chụp là láo, là vô lễ với tiền nhân… Còn “lão Tám” này đã thuộc thế hệ già, nói người cũng chính là nói mình nên liều mình chấp bút thay họ vậy.
Thưa các vị kính mến!
Chúng tôi đã nghe nhiều, rất nhiều những mỹ từ đẹp đẽ nhất, trách nhiệm nhất dành cho thế hệ trẻ chúng tôi. Nào là thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Nào là bồi dưỡng thế hệ trẻ là nhiệm vụ hàng đầu. Nào là và nào là… Những từ ngữ đẹp đẽ đến mê hoặc lòng người xuất hiện trên hầu hết các báo cáo, các bản tổng kết, kể cả cương lĩnh của các tổ chức xã hội. Nghe nhiều, đọc nhiều quá hóa… quen. Mà sự đời, quen quá hóa nhàm, không muốn nghe nữa.
Điều mà thế hệ trẻ chúng tôi cần thấy bây giờ là sự thật lòng qua hành động của các vị.

Thưa các vị!
Xin hỏi các vị có làm đúng như những điều các vị nói không? Hãy cho được nói thật, chúng tôi nghi ngờ điều đó. Bởi nếu làm đúng như những lời đã nói, chúng ta không đến mức thiếu trầm trọng cán bộ trẻ như hiện nay. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ dân số trẻ hàng đầu thế giới nhưng nhìn vào bộ máy lãnh đạo các cấp, ta thấy rõ sự già nua đến mức nào?
Ở hàm Bộ trưởng, người trẻ nhất là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã gần 50 tuôi. Số Bộ trưởng dưới 55 tuổi đếm trên đầu ngón tay. Chủ tịch UBND các tỉnh cũng tương tự. Thậm chí, trưởng phó phòng cấp sở ngoài 40 tuổi vẫn coi là… trẻ.  Ngay tại Hà Nội, cơ cấu bầu vào HĐND không đủ số lượng đại biểu trẻ là một ví dụ điển hình. Một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thủ đô của một nước mà thiếu cán bộ trẻ thì thật đáng báo động.
Trong lịch sử, ngay từ ngày đầu dành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm hàng loạt Bộ trưởng trẻ ở độ tuổi ba mươi mà tên tuổi của họ rạng danh đến ngày nay như các vị Trường Chính, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…
Thưa các vị!
Nếu quả thật thiếu cán bộ trẻ, nguyên nhân do đâu nếu không phải do chính các vị bởi trong cả ba khâu: phát hiện - bồi dưỡng - đề bạt, cất nhắc đều nằm trong tay các vị?
Sâu xa ở đây, theo chúng tôi có lẽ các vị chưa dám đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Thậm chí nghi ngờ khả năng của thế hệ trẻ. Xin thưa, đó là sự “lẩm cẩm” đến chết người bởi các vị quá tự tin vào mình đến tự phụ. Sao các vị không tự đặt câu hỏi chắc gì chúng tôi đã kém các vị mà ngược lại, sao không dặt câu hỏi chắc gì các vị đã bằng chúng tôi? Nói thẳng là trong sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hôm nay, diện mạo thế giới thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ thì việc lỗi thời của một thế hệ như các vị là điều khó tránh khỏi. Và giả sử chúng tôi có không đáng tin thật thì đến bao giờ các vị mới tin và chả lẽ các vị sống mãi, khỏe mãi để ôm đồm? Chả lẽ dân tộc Việt Nam ta lại “vô phúc” đến mức con cháu ngày càng đổ đốn, hèn hạ và ngu dốt?
Thứ nữa, cái cớ mà các vị hay đưa ra mỗi khi đề bạt, cất nhắc là bởi thế hệ trẻ chưa từng trải, ít vốn sống, thiếu kinh nghiệm. Một lý do… hài hước, thưa các vị. Trẻ thì làm sao có “từng trải”, làm sao nhiều “vốn sống” và “kinh nghiệm”?
Về sự “từng trải”, xin thưa hầu hết mọi công việc ở cơ quan, các vị đều ôm đồm bằng hết, các vị có cho tham gia, cho làm đâu mà đòi hỏi chúng tôi “từng trải”? Còn cái gọi là “vốn sống và kinh nghiệm”, xin nói thẳng tư duy bây giờ là tư duy sáng tạo chứ không phải tư duy “kinh nghiệm” kiểu “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”.
Khi khoa học càng phát triển thì chủ nghĩa kinh nghiệm càng bị thu hẹp. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận kinh nghiệm nhưng kinh nghiệm chỉ là một yếu tố phụ, rất phụ nhưng tiếc thay, nó lại như tấm bùa “sống lâu lên lão làng” của các vị. Yếu tố quyết định làm nên sự thành công của thế giới hôm nay là tư duy sáng tạo và chỉ có sáng tạo mới thay đổi được thế giới. Mà sáng tạo thì, thưa các vị, nó thuộc về thế hệ chúng tôi, những người trẻ như nó đã từng thuộc về các vị những ngày xa xưa.
Tóm lại, dẫn đến tình trạng hiện nay hoặc các vị đã không biết phát hiện, hoặc không biết bồi dưỡng, hoặc không dám đề bạt và hoặc là có cả ba khâu.
Điều mà chúng tôi, những người trẻ lo ngại nhất, xin lỗi, khi những điều trên chỉ là cái cớ của sự tham quyền cố vị. Cái thói “Đó rách ngáng chỗ”, khư khư ôm cái “xương cục” đã kìm hãm sự phát triển của đất nước và chính là bi kịch lớn nhất của một dân tộc.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị các vị thứ nhất, có hình thức kỉ luật đối với các trường hợp không tìm được người thay thế xứng đáng bởi đào tạo thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo. Ai trước khi về hưu, không tìm được người thay thế thì phải chịu hình thức kỉ luật bởi đào tạo thế hệ trẻ là một trong số những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của người lãnh đạo. Thứ hai, trong khi chúng ta chưa có một cơ chế sàng lọc thì cách ít hại nhất hiện nay là về hưu đúng độ tuổi. Xin hãy xóa bỏ tư duy sân siu tuổi tác để nấn ná, bấu víu. Đến tuổi nghỉ là nghỉ, không có bất cứ lý do gì để tạo tiền lệ.
Xin đừng để chúng tôi nhìn các vị như những “ngọn cờ lá chuối”, những chiếc lá khô héo đến tận gốc nhưng không chịu rụng.
Sự vĩ đại của lá là biết rụng để nhường chỗ cho những chồi non.
Nếu không thật lòng, xin hãy im lặng. Đừng tiếp tục lừa dối chúng tôi bởi nói thẳng ra, chúng tôi lạ gì các vị.
Kính thư!

Một người trẻ
(Bùi Hoàng Tám chấp bút)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét