Cách nay hơn 10 năm, anh bạn thân cho tôi mượn tập thơ Chân Dung Nhà Văn (CDNV) của tác giả Xuân Sách. Tập thơ có hình thức trình bầy gây ấn tượng : Các bài thơ in chữ viết thường nhưng rất đẹp, độ dầy khiêm tốn, vẻn vẹn 100 bài thơ, mỗi bài dài từ 4 - 6 đến 8 câu, theo các thể thơ phổ thông đang thịnh hành. Mỗi bài thơ vẽ chân dung một Văn - Nghệ - Sĩ của giòng văn chương Việt Nam đương đại - từ 1924 đến 1992 .
Các chân dung không thể hiện hình hài quan sát từ bên ngoài - như mọi bức vẽ bằng cọ, ảnh chụp của Họa sĩ, nghệ sĩ Nhiếp ảnh. Xuận Sách ‘’vẽ’’ CDNV bằng lời thơ, ‘’bắt’’ người thưởng thức phải’’Giải mã’’, suy nghĩ… tìm… liên tưởng… những từ ngữ trong câu thơ, đối chiếu với các tác phẩm của tác gỉa đã xuất bản, rồi từ đó suy ra: Bài Thơ ‘’vẽ’’ ai? Đây là chân dung văn nghệ sĩ nào?
Những đối tượng được Xuân Sách ‘’vẽ’’ đều là những tác gỉa có danh, nổi tiếng, có tác phẩm hiện diện trên văn đàn.Việt Nam trong vòng trên 60 năm (tính từ khi Tản Đà xuất hiện 1924 tới 1992 – CDNV được in ấn). Nếu không có danh, không có tác phẩm gía trị, người đọc sẽ không thể nhận diện được tác gỉa’’bức vẽ’’.
CDNV khắc họa hình hài người nghệ sĩ thật đậm nét, sắc sảo, có hồn. Cũng đồng thời, qua đó nhắc lại, gợi mở cho người đọc, người xem những khía cạnh nổi trội về tư cách của đối tượng, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm rồi suy gẫm về những điều ẩn chứa bên trong cuộc đời của từng tác giả (bức vẽ), gây hứng thú cho người đọc, kích thích sự tìm tòi, tiếp cận tác phẩm của đối tượng.
Lấy một thí dụ: Xuân Sách vẽ một chân dung bằng 4 câu lục bát:
Mấy lần lỡ bước sang ngang
Thương con bướm đậu trên giàn mồng tơi
Trăm hoa thân cánh rã rời
Thôi đành lấy đáy giếng thơi làm mồ
Đọc, nghe - thấy tên các tựa đề: Lỡ bước sang ngang, Giàn mồng tơi và con bướm, Trăm hoa, Nước giếng thơi. Người đọc liên tưởng, nhận ra, khẳng định - đó là tên các tác phẩm của tác gỉa Nguyễn Bính!
Vậy, đây chính là chân dung thi sĩ tài hoa, đào hoa - Nguyễn Bính!
Ông viết bài thơ Lỡ bước sang ngang rất nổi tiếng nhưng đời ông cũng có tới 4 lần ’’sang ngang’’ và vô số thư tình của các cô gái mến mộ (được xếp trong chiếc hộp bánh bich quy, lúc nào cũng mang kè kè bên mình). Kết qủa 4 cuộc tình đã đâm hoa kết trái và 2 người con gái, 1 người con trai lần lượt ra đời... Nhưng bất hạnh thay: Lúc nhắm mắt xuôi tay cậu con trai thất lạc tư năm 1957 vẫn không tìm thấy, không có các con gái và mẹ của họ ở bên cạnh (ông mất vào sáng 1 tết năm Bính Ngọ 1966 ở nhà một người bạn hâm mộ tài năng của thi sĩ)…
- Ông có bài thơ Cô Hàng Xóm, kể chuyện về một mối tình của 2 người ‘’cô đơn’’ ở sát hàng rào nhà của nhau. Mối tình đơn phương sâu đậm mà trong sáng với hình ảnh con bướm thưòng ngày vẫn từ bên nhà cô hàng xóm, bay sang đâu trên giàn mồng tơi của người’’người yêu cô đơn’’:
…
Tôi chiêm bao rất mhẹ nhàng
Có con Bướm trắng thường sang bên này…
(Cô hàng xóm)
Đã có lần ông tự nhận mình kiếp trước là bướm nên kiếp này có nhiều duyên nợ với con bướm, viết nhiều bài thơ về con bướm - y như hóa thân của ông vậy.
- Ông đã từng làm Chủ nhiệm báo Trăm Hoa.
Rồi cũng lại khốn khổ vì tờ báo… để cuối cùng như con bướm gặp trận bão khiến ‘’thân cánh rã rời’’ – (tan tác cánh, rã rời thân) - làm mồi cho bọn gà, vịt, ngan, ngỗng…
- Ông có tập thơ Nước Giếng Thơi.
Đây là tập thơ nhưng cũng là kết cục bi thảm của nhà thơ một đời tài hoa nhưng bạc phước: Tết năm 1966, Nguyễn Bính được người mến mộ là ông Lang thuốc Bắc, mời đến ăn tết cùng gia đình. Sáng sớm mồng một tết Bính Ngọ - (1966 - 49 tuổi), chủ, khách ra vườn hái lộc đầu xuân. Đêm qua 30 tết - mưa xuân, đất vườn trơn, cầu ao dính đây rêu càng trơn hơn… ông vô ý, trượt chân ngã xuống ao, trầm mình trong bùn nước lạnh của tiết Xuân. Ông Lang tận tình cứu chữa nhưng Nguyễn Bính đã ra đi vĩnh viễn sau đó ít giờ, để lại’’nguyên vẹn cả một mùa xuân’’ năm 1966 – cho đời...
Người đọc liên tưởng, nhớ đến 2 câu thơ trong bài thơ Nhạc Xuân, Nguyễn Bính viết từ năm 1939, in trong tập thơ Hương Cố Nhân - của ông:
…
Năm mới tháng giêng mồng một tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân…
Ông tự tiên tri, báo trước ngày ra đi của mình . Tính từ mùa xuân năm 1966, Giáp Ngọ (NB sinh năm Mậu Ngọ 1918), ngược vê lúc viết Nhạc xuân 1939 - tròn 27 năm! Chỉ có 4 câu thơ mà XS đã dẫn dắt người đọc liên tưởng, tìm ra biết bao điêu bí mật, kì thú nằm trong màn sương cuộc đời con người tài ba nhưng long đong, lận đận…
Thơ Chân Dung của Xuân Sách vừa là Thơ, vừa là Họa. Trong Thơ có Họa, trong bức họa tràn đầy chất thơ. Đọc thơ ông, người đọc phải suy nghĩ, tìm hiểu rồi khi tìm ra...trào dâng, rung lên cảm xúc… Trong trí tưởng người đọc hiện ra chân dung của người được vẽ thật sống động trên nền những bối cảnh của bức tranh cuộc đồi họ….
Tác phẩm của ông được khá nhiều người dựa vào rồi thể hiện CDNV theo cách của họ, đưa ra những mô típ mới để tạo ra một sân chơi thi phú đầy hứng khởi... Tuy nhiên, tác phẩm của Xuân Sách vẫn giữ nguyên giá trị nguyên thủy: Thâm sâu, trí tuệ, nghệ thuật! Kết thúc bức chân dung số 99, Xuân Sách tự họa chân dung mình bằng bài thơ Đường luật số 100:
Cô giáo làng ta đã chết rồi
Một đêm ra trận : Đất bom vùi
Xót xa Đìng Bảng – người Du kích
Đău đớn Bạch Đằng lũ trẻ côi
Đường tới chiến công , gân cốt mỏi
Lối vào lửa đạn, tóc da mồi
Mặt trơi ảm đạm quê hương cũ
Ở một cung đường rách tả tơi !
Trong 8 câu thơ có tên các tác phẩm được Xuân Sách viết ròng rã nhiều năm . Câu thơ khơi gợi trí tưởng đi từ quá khứ đến hiện tại của người nghệ sĩ được miêu tả. Câu cuối của bài thơ làm tư duy người đọc bùng phát:’’Ở một cung đường rách tả tơi’’. Khi còn hệ thống XHCN ở Đông Âu, bộ máy tuyên truyền (của toàn hệ thống) thường quảng bá: Con đường tiến lên CNXH là con đường duy nhất đúng cho các dân tộc bị áp bức, lao khổ ! Thế mà XS lai khẳng định (CNXH là) con đường đi tơi đói nghèo (rách tả tơi). Bài thơ này XS viêt vào khoảng 1988 – 1989 , tưc là’’đêm trước’’ sự xụp đổ của hệ thống XHCN đông Âu (8.1990). Bằng sự chiêm nghiệm sâu sắc, tỉnh táo, cộng với nhãn quan chính trị thính nhậy, XS đã đưa ra kết luận dứt khá chính xác va…kết luận đó đã đúng !
Đã 20 năm trôi qua, giờ đọc lại, người đọc vẫn cảm thấy CDNV tỏa ra hơi thở nóng bỏng của thời đại, tính thời sự trong sáng, tính chân thực minh bạch trong cảm quan của tác gỉa, ghi dấu ấn sâu đậm của lịch sử văn chương nước nhà ở một thời kì trải dài hơn 80 năm (1924 – 1992 - 2012) khiến người đọc nhận ra từng khúc quanh co, uốn lượn, cùng các biến động dữ dội của thời cuộc.
Đọc CDNV, thu nhận được mọi cảm xúc: Vui, cười, thông cảm, thậm chí buồn thương cùng tác gỉa. Người đọc cũng thành kính trong tâm tưởng trước những nhà văn đã qúa cố được Xuân Sách ưu ái, trân trọng thể hiện trong tác phẩm. Ông viết CDNV từ đầu những năm 60 của thế kỉ 20. Tính đến khi xuất bản đã được trên dưới 30 năm. Có lẽ từ 1992 (khi CDNV xuất bản) đến lúc về cõi vĩnh hằng (2008) chắc XS đã không tiếp tục ‘’vẽ’’ thêm được những chân dung khác! Hi vọng những nhà văn trẻ, lớp ‘’hậu sinh khả úy‘’ - thế hệ thư 4, nếu tính từ thế hệ Thơ Mới – sẽ vẽ tiếp các chân dung nhà văn đương thời không kém sinh động như CDNV của tiền bối Xuân Sách !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét