Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

78 bài thơ haiku Hán ngữ Ngô Văn Tao và lục bát Trịnh Công Sơn

Đôi lời giới thiệu

Thi sĩ  Ngô Văn Tao
        Ngô Văn Tao là nhà thơ viết bằng Hán ngữ ở Sài Gòn từ trước 1975. Hiện sống ở tỉnh Bến Tre. Tên tuổi ông ít xuất hiện trên văn thi đàn nước ta, ấy là bởi tác phẩm ông viết bằng thứ chữ ít người đọc… Ông xuất bản lần đầu tập Hán tự hài cú (thơ haiku bằng chữ Hán) do Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM năm 1994 và tái bản tại Nhà xuất bản Văn học năm 2001. Ngày xưa văn hóa Nhật là một gạch nối Hán-Nhật. Thi sĩ thiền sư Basho là một cái gạch nối dòng thơ Nhật – Hán, thơ haiku Hán ngữ Ngô Văn Tao là cái gạch nối thứ 3 khép kín tam giác Hán – Nhật – Việt.

            Mượn hình thức thơ haiku (3 dòng), thi nhân không cần thấm nhuần nguyên lý thơ haiku Nhật Bản. Thơ Ngô Văn Tao vẫn là thơ cổ điển Trung Hoa – Việt Nam mang chiếc áo haiku ngắn gọn dễ biểu hiện và dễ lan truyền đến bạn tri âm.Thi nhân một mặt tìm thấy cảm hứng trong thành Giang Tô, núi Nga My, đài Cô Tô, dòng Tương Giang, cầu Ô thước, Ngọc nữ, sông Tiền Đường, liễu Chương Đài … (Trung Hoa), mặt khác Ngô Văn Tao vẫn quyến luyến các cảnh sông Hương, núi Hồng Lĩnh, đồng xúc cảm với đôi tình nhân Phạm Thái, Quỳnh Như đồng hương (Việt Nam)…
            Có lẽ khi chưa gặp haiku thì Ngô Văn Tao phải cố ép bài thơ của mình thành tứ tuyệt. Haiku đã mở rộng địa hạt thơ chẳng những cho người Việt mà các dân tộc khác trên thế giới cũng vui mừng khi muốn viết câu thơ mà gặp hình thức haiku.
           Chỉ tiếc một điều  thi nhân Ngô Văn Tao không in kèm văn bản Hán ngữ, người đọc không dám chắc đọc đúng nghĩa của từ Hán  Việt.
            Nhà thơ Trịnh Công Sơn
 Khi nghe nhạc Trịnh, ta đã lờ mờ nhận thấy có một nhà thơ họ Trịnh. Đến khi đọc thơ haiku-lục bát của ông thì ta khẳng định: có một nhà thơ Trịnh Công Sơn hẳn hoi.
Với nhạc sĩ họ Trịnh thính giả chúng ta quen biết ông quá lâu rồi. Từ bậc trí thức đến anh thiếu niên, cô thiếu nữ đồng quê, ít người chưa từng nghe nhạc Trịnh. Có người nói nghe nhạc Trịnh không hiểu lời ca nhưng vẫn cứ thích nghe… Điều này chứng minh thơ và nhạc của ông hòa quyện với nhau đến độ kì lạ.
            Tuy nhiên đây là lúc nhà thơ Trịnh Công Sơn cất tiếng nói đích thực của thơ, không cần phụ thuộc hay nương tựa âm nhạc của mình nữa. Ông dịch thơ haiku Hán ngữ của Ngô Văn Tao thành lục bát thực chất là sáng tác trên chất liệu Hán ngữ NgôVăn Tao. Hóa ra Trịnh Công  Sơn là một nhà thơ lục bát tài hoa, đây bạn thử đọc xem:
Chim kêu lạnh bến sông dài
Mưa thưa nhỏ lệ đền đài thịnh suy
Và bất ngờ “dòng sông trăng” :
Sông dài trăng chảy về đông
Hồng nhan buông thả lệ trong sóng chìm
            Đọc bản dịch lục bát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ta thấy nhạc sĩ chủ yếu dựa theo tứ thơ Ngô Văn Tao mà phóng tác.Nhưng tài hoa đến mức Trịnh Công Sơn cũng là một nhà thơ vậy. Những ca khúc độc đáo Trịnh Công Sơn chúng ta từng nghe sao thấy lãng đãng tương đồng những bài thơ haiku Hán Việt của Ngô Văn Tao… Nó băn khoăn về kiếp người, về những mối tình lãng mạn rất cổ điển. Thi nhân dường như dị ứng với những tình yêu kiểu hiện đại, ông không tìm thấy vẻ đẹp nào ở hiện đại… Độc giả, thính giả cứ mê theo âm nhạc và những ca từ giàu chất thơ của ông. Thi trung hữu nhạc, nhạc trung hữu thi, ấy là nghệ thuật Trịnh Công Sơn vậy.
            Ngày nay trên thế giới người ta còn băn khoăn rằng: dân tộc khác làm thơ haiku thì có nhất định phải tuân thủ những xúc cảm thẩm mỹ và nguyên lý thơ haiku gốc hay không ?
            Theo tôi nghĩ, chúng ta chỉ cần chấp nhận một số thuộc tính căn bản của haiku sau đây:
            Một là tính thiền: chúng ta chỉ viết thơ trong cảm giác tĩnh lặng nhất. Quan sát cuộc sống trong tình trạng nó  tĩnh lặng.
            Hai là tình yêu thiên nhiên, gắn bó mật thiết với thiên nhiên.
            Ba là cái đẹp giản dị
            Bốn là nỗi buồn thương nhẹ nhàng.
Ngoài những điều không thể thiếu đó, người làm thơ  khắp nơi trên trái đất này cứ thả sức tự do.
Để thấy rõ nhà thơ Trịnh Công Sơn dịch thơ Ngô Văn Tao và sáng tác thơ lục bát như thế nào, chúng ta thử đối chiếu nguyên tác Ngô Văn Tao và bản dịch Trịnh Công Sơn trong bài 78 – bài chót của tuyển tập này.
 Ngô Văn Tao viết  bài 78.
Phong lạc Hương Giang tự
Vi ba lô tước khiếu Xuân Thu
Hưng vong sầu tế vũ
Tạm chú giải: Gió rơi chùa Hương Giang, vẳng tiếng chim sẻ gọi thời Xuân Thu, nỗi buồn hưng vong thấm trong cơn mưa phùn.
(Xuân Thu: thời cổ đại loạn lạc ở Trung Hoa – chú giải : Giang Nam lãng tử )
Trịnh Công Sơn dịch (và sáng tác):
Chim kêu lạnh bến sông dài
Mưa thưa nhỏ lệ đền đài thịnh suy
Nào bây giờ chúng ta cùng nhâm nhi luôn cả 78 bài thơ của hai tác giả.

01.
Thiên biên cô phi hạc
Đại tự thiên thu thế hận thường
Kim dực mãn nguyệt quang
Bên trời hạc lẻ loi bay
Thiên thu hận ấy mờ phai cõi người
Cánh vàng nặng ánh trăng soi
02.
Vọng động ngã tư duy
Vô minh dẫn đáo thị hà xứ
Miên trường ngã địch lộ
Mù mờ ta biết về đâu
Đường không hết cõi càng sâu ta bà
03.
Khai hoa ca yến lạc
Trầm tư vọng tưởng vị lai thời
Hoa tàn yến phi lệ
Chim vui hót, bỗng dưng sầu
Hoa kia thắm nụ thoáng mầu tàn phai
04.
Thanh lâu ngã kim giả
Đương nhiên túy tận vong thời thế
Lai hồi ngã tự vong
Có ta  rồi sẽ quên ta
Rượu lầu xanh uống bỗng xa chuyện đời
05.
Viên biên hoang lộ đích
Khứ niên lạc diệp ẩn tàng tích
Mai táng cựu nhân tình
Chôn vùi một mối tình xưa
Lá im lìm ngủ vườn thưa dấu người
06.
Ngũ uẩn vọng nhiên hề
Mộng trường ô tước đáo Tương Giang
Thương thương hề mỹ nhân
Mộng xa chim trở về nguồn
Lưới mênh mông thả vô thường mỹ nhân
07.
Tây Hồ đô thị lại
Tô Lịch ngạn biên tầm cố gia
Thiếu thời trung khứ mộng
Bên sông dấu cũ nhà xưa
Những ngày thơ ấu dạ thưa mộng gì
08.
Mỹ nhân hề thiên hương
Trần ai phong tản vô thường tụ
Độc ngã hề đoạn trường
Đoạn trường ấy một niềm đau
Bụi trần gió lộng xôn xao vô thường
Đoạn trường ấy một mình ta
Thiên hương xinh đẹp cũng là nỗi đau
09.                                                                                                                        
Thiên không tinh lạc viễn
Dạ sơ mãn nguyệt vị hoàn lương
Tư cùng Dao Thục nữ
Chớ đêm chưa tỏ trăng rằm
Nghĩ gì ngọc nữ sao vằng vặc xa
10.
Nghiêm trang song ngọc nữ
Diệu Ân, Hồng Diệu lưỡng thanh chi
Trần gian vô ngấn lệ
Diệu Ân, Hồng Diệu hai cành
Trần gian mong sẽ không đành lệ rơi
11.
Giang Tô bội ước kỳ
Hà sự thượng Nga My
Lai tầm khứ mộng phù vân ảo
Phụ nhau mà vẫn tìm nhau
Mộng xưa mây trắng ngàn lau nhạt nhoà
12.
Thủy bình ba lãng du
Nhân duyên bất đoạn phù sinh phận
Trầm hề !
Đáo thùy biên
Đã chìm một phận bèo trôi
Ấy rồi vẫn cứ về nơi bến người
13.
Bạch tuyết cao sơn lộ
Không tịnh phù vân phong đảo hình
Thức đồ chi hãn mã
Ngựa đi, nhọc vẫn nhớ đường
Phù vân tuyết trắng coi thường đảo điên
14.
Tương kiến hề cố nhân
Vũ nhạc hoàn lai hoàng hạc khứ
Hồng lâu hoa tán lệ
Còn đây lễ lạc con người
Vườn xưa gác cũ lệ đời đã xa
15.
Trần ai khổ nghiệp ư
Bồ Tát hà tằng lai thế trụ
Lãng đãng hồng vân phiến
Nơi đây Phật đã có lần
Nôi trần gian ấy mây hồng vẫn bay
16.
Đái mộng yến phi khứ
Hồng viên tỉnh giác thị xuân thì
Vô thường ngã môn tại
Vườn hồng yến đã đi rồi
Vô thường mộng mị mang lời hỏi nhau
hoặc:
(Vườn hồng chim yến mùa xuân mộng
Một cõi vô thường ta có nhau)
17.
Giang Tô ly biệt kỳ
Dương quan xuất xứ tửu bôi cạn
Trường không vô lộ quy      
Đất trời ly rượu tiễn nhau
Mênh mông cố quận biết đâu đường về
18.
Viễn lộ tầm hoa hoa bất tại
Phù vân phong thượng thiên
Tri âm nan khả kiến
Tìm em xa ngái đường dài
Mây cao núi lộng em mài miệt xa
19.
Bảo nguyệt hề không hư
Nhàn đàm nguyệt ảnh linh lung hiện
Nghê thường xiêm vũ lộng
Ao trăng ôm bóng vô thường
Ao xưa lồng lộng nỗi hồng tím xanh
20.
Tiền Đường bất giải oán
Thiên thu kiều diễm thiên thu lụy
Ba đào khấp Tố Như
Tiền Đường thuở ấy oan khiên
Nỗi sinh nỗi tử tiêu điều Tố Như
21.
Vân vũ cao sơn viễn
Thanh tửu hà tằng đạt ngẫu duyên
Lộ trường ức cố nhân
Đường dài nhớ bạn ngày xưa
Rượu thơm uống mãi còn thua nỗi người
22.
Sơn phong hoằng liên viễn
Vân vũ tình hoài tâm bất tĩnh
Vọng thượng mỹ nhân lầu
Núi cao mây nước nhớ người
Lầu xưa nhan sắc bồi hồi không an
23.
Bất đáo Tương Giang đáo biệt xứ
Lưu hoài mỹ nhân hương
Nhân khứ hư vô khứ                                
Ta về giữ lại mùi hương
Đường không xứ sở còn vương bóng hình
24.
Vi trần chân như ngã
Tinh không vô hạn quán tâm bi
Như hà thông ngã khổ
Ngàn sao yêu cõi trần gian
Riêng ta hạt bụi quan san mịt mù
25.
Trà thất ức cố nhân
Xuân lai phong lạc cựu thiên
Luân hồi nại hà xứ
Xuân về chạnh nhớ người xưa
Có mùi hương cũ riêng thưa bóng hình
26.
Quy hương anh hùng luỵ
Trang thôn thục nữ bất tri thùy
Sương mộ tầm cố lư
Lều xa cố quận mệt nhoài
Anh hùng thục nữ một thời đã quên
27.
Đằng lâu giải bội nhân
Nhất dạ tương thân châu lệ hoài
Thiên thai hà an tại
Em ơi lệ nhỏ đêm dài
Ngọc khuya gác cũ  hình hài ở đâu
28.
Tảo thần oanh nhi đáo
Vị thức dương qua thanh điểu minh
Liên hoằng phục sinh hận
Chim non thức dậy mặt trời
Cõi người vô lượng em mời mọc chi
29.
Dạ thâm tửu độc ẩm
Ngoại song hạ vũ đơn thanh khấu
Sinh thoát sự nhất thân
Mưa rơi lẻ giọt đêm khuya
Rượu riêng ta rót sống thưa chết về
30.
Thanh lâu dạ miên miên
Kỹ nữ an thường nhất nhị canh
Lạc bồng dã nguyệt ảnh
Canh khuya chút phận lầu xanh
Một bên cỏ dại trăng thanh bên này.
31.
An chi ngã tiền thân
Tùng bách khứ thời tại ngã tâm
Bất như kim đồng ảnh
Ngày xưa thuở ấy bây giờ
Thân này nhìn lại không ngờ khác nhau
32.
Nhãn thuấn mỹ nhân biệt
Trường Giang bất đoản ngã tương tư
Thiên thần tri ngã lụy
Sông dài bất tận nỗi đau
Hồng nhan ly biệt ngàn sau lệ người
33.
Thiên thu thiên thu hề
Đoạn trường trường đoạn vị thùy dương
Trần hoàn vô cùng thế
Thế gian một cõi vô cùng
Thiên thu ta ở đoạn trường ta đau
34.
Tiểu lộ lạc diệp thu
Khứ thời nhân tại kim hà tại
Nhàn đàm đơn nguyệt ánh
Người xưa giờ ở nơi nào
Đường thu lá nhỏ ao sầu ánh trăng
35.
Mai lan chi thượng lan
Danh ca trần địa vị thùy lư
Thiên quy sầu nhất ngã
Em về hát giữa trần gian
Mai kia khuất bóng để tang là mình
36.
Lạc diệp hoàng tha lộ
Tà dương mộ chiếu tha nhân ảnh
Cố nhân tha lữ hành
Nắng chiều một bóng tha hương
Lá rơi nhè nhẹ người thương nhớ người
37.
Cố nhân bất khả tầm
Vô thường hội kiến vô thường biệt
Vị nhân ngã tâm thương
Vô thường gặp mất khó tìm
Lòng ta đau xót không hình bóng ai
38.
Đảo thiên quyên tích lệ
Vô thường thế sự cố nhân ly
Nhất thuần tiềm thi ý
Vô thường lệ tiễn người đi
Đất trời phút chốc lời ly biệt lời
39.
Dạ thâm lạc an nhiên
Chung triêu trầm tĩnh biệt khinh động
Địa đàng quang xuân vũ
Đêm tịch lặng sớm trầm tư
Đất trời trong vắt mưa thưa xuân về
40.
Tà dương mãn thu sương
Nhân một phong ba quán tịch liêu
Song tiền sầu nhạn khứ
Đời tan nát trọ quán chiều
Nhạn đi để dấu tiêu điều trong sương.
41.
Ba tiêu thi ý sư
Thiên hoàn du vãng tử sinh hệ
Tâm tư tuế nguyệt trường
Ba tiêu lăn mãi đời mình
Lòng ta hiu quạnh niệm tình thiên thu.
42.
Túy miên tửu tẩm y
Ngọa trường phủ điệp khai hoa mộng
Thạch thượng không nhiên tiếu
Dấn thân tinh thể chợt nghe
Cuộc đời ở giữa đá khe lõa lồ
43.
Xuân dư ! Hướng nhật quỳ
Vũ trung ngũ nguyệt khinh thân tại
Nhật một viễn sơn không
Tháng Năm ở với ngày mưa
Hướng dương bỏ mặc trời thưa thưa chìm.
44.
Tiếu thời nhi vị khứ
Mai hoa vi thượng tảo vi sương
Vân tước hề dương ánh
Tiếc hoài một tuổi thơ xưa
Sương mai chim mộng nắng thưa là mình.
45.
Giang biên khai thạch lan
Đông lưu lãng đãng thủy bình khứ
An tại Ái Quân tình
Bên sông một đóa lan cười
Bèo trôi lãng đãng tình người an nhiên
46.
Nhạc tấu dạ thâm canh
Cương cầm giai điệu sầu nhân ảnh
Khúc trung tình mộng viễn
Đêm khuya giai điệu rầu rầu
Tình phai ý nhạc mộng đầu đã xa
47.
Dương chiếu đàm không tịch
Minh trung khinh động tiểu huê dung
Khởi tỉnh tiền duyên kiếp
Mặt hoa lay nhẹ giấc nồng
Thức duyên kiếp trước ao hồng nắng qua
48.
Chỉ môn bồn trúc ảnh
Tiểu bước viên trung chi thượng minh
Sàng không ưu biệt khách
Sàng xưa nhớ khách đã xa
Ngoài sân chim hót trúc sa vách bồi
49.
Cô đơn chi kỳ nữ
Tầm hoài sắc đảo hận du du
U tình lai thế dị
Cô đơn nhan sắc hận dài
Trần gian ngoảnh mặt mộng đời
50.
Nghênh xuân, kim tiểu nữ
Định ước lai thời duyên mộng sinh
Xuân trung ca vũ điệu
Sẽ múa hát giữa mùa Xuân
Hẹn nhau mộng ấy còn hơn cõi này
51.
Nhân ái bồ đề tâm
Bất sát sinh hành giới đạo tu
Vị thế đồng nan khổ
Hồng nhan đi với vô thường
Nỗi đau ta giữ đoạn trường ta hay
52.
Nhật mộ biệt vân tước
Thanh thiên ám địa bất lưu hình
Đơn thanh dữ lạc viễn
Chiều xa văng vẳng tiếng chim
Trời xanh đất cũ nằm im bóng hình
53.
Mai khôi cố thổ hề
Minh thiên hằng đăng vị thời tiếu
Tư dung hề vong lữ                               
Vẫn đi vẫn nhớ vẫn quên
Nụ hoa xứ sở mang tên lạc loài
54.
Mộng trung tầm ngã ý
Mỹ nhân quá bộ ngã lưu hình
Bất tri thời tái ngộ
Bao giờ gặp lại em đây
Hồng nhan buổi ấy tàn phai bóng mình
55.
Tiêu tương thùy đích lệ
Ba đào nhạn quá ảnh vô lưu
Tiềm nguyệt mãn không sương
Nhạn không để lại bóng hình
Sông như giọi lệ trăng tình nguyện tan
56.
Viễn lạc phi hoàng diệp
Tịnh đáo Hương Giang lưu thủy khứ
Bất động Ý Nhi tâm
Lá vàng rụng xuống sông Hương
Chim ơi đừng để sầu thương một mình
57.
Bạch vân hà viễn lai
Lưu tẩy thanh thiên chi lữ hận
Lão phu Hồng Lĩnh tại
Ta ngồi đỉnh núi này đây
Mây ơi xóa hộ mộng vây buộc người
58.
Mộng đảo thiên thu chi ngã mộng
Cô đơn thị ngã du
Lưu hoài ngã mộng trung
Mình ta đi một mình ta
Bao nhiêu giấc mộng gần xa xa gần
59.
Thiên vân sơ ánh dương
Hoàng anh bất tại vô đề tĩnh
Tảo thần dạ vũ hưu
Không mưa không ánh mặt trời
Không con chim hót không lời sớm mai.
60.
Tịch sương như du nữ
Thùy phát bạch y khinh túc không
Cô ngã trướng tiền tiêu
Em nay tóc xõa sương mềm
Ngàn đêm áo trắng cũng điềm nhiên qua
61.
Duy hoài mai khôi đóa
Vũ trụ vô biên ngã đọa trần
Hà lai minh trí huệ
Bốn người thơ dại ngây ngô
Đóa hoa vũ trụ ai ngơ ngẩn cười
62.
Trường Giang nguyệt ảnh đông lưu viễn
Bất khả mĩ nhân lưu
Ba tiềm tích lệ thùy
Sông dài trăng chảy về đông
Hồng nhan buông thả lệ trong sóng chìm
63.
Thâm tại tâm không thanh tiểu khê
Thạch thảo an nhiên động
Vô thường trung quán tưởng.
Ta về nghĩ lại đời ta
Cỏ êm lay động giòng xa xanh rì
64.
Nịch nhân hề tương luyến
Tưởng đáo bạch đầu bất hận ly
Tương Giang hề, song nguyện
Nguyện chung đắm đuối lời thề
Tưởng rằng tóc trắng không hề lìa nhau
65.
Dã điền tà huy ảo
Thạch thảo hoang sơ ẩn lộ trần
Man trì nhất hồ điệp
Chập chờn bướm lẩn quẩn bay
Chiều hoang mộng tưởng cỏ phai phai dần
66.
Đông miên tuyết lạc loài
Thiên địa hoang đường quy nhất hội
Yểm thường chân như ý
Tụ về một cõi bao la
Cõi đời che một cõi ta bàng hoàng
67.
Trai phòng nghi thế sự
Hạ tàn dương ám vũ đơn thanh
Vọng nhiên trường chúc hạ
Hạ tàn sương sớm mưa bay
Nhớ thương một cõi nến lay lắc đời
68.
Túy miên tửu tẩm y
Ngọa trường phủ điệp khai hoa mộng
Thạch thượng không nhiên tiếu
Dấn thân tinh thể chợt nghe
Cuộc đời ở giữa đá khe lõa lồ
69.
Lạc diệp hề lai thu
Cố đô biên cách vân sơn ẩn
Mỹ nhân tình viễn ngộ
Tình em đánh thức ngày thơ
Lá thư nhắc nhở cố đô muôn trùng
70.
Chương Đài Liễu thu ba
Đằng lâu vô kế lưu xuân trụ
Liễu tỏa lộ Chương Đài
Làm sao giữ được mùa xuân
Chương Đài liễu rủ thuyền quyên đâu rồi !
71.
Đa tình ưng tiếu ngã
Tảo sinh hoa phát vãng trần du
Nhất tôn thù nhật nguyệt
Lang thang tóc bạc chúng cười
Chén mời nhật nguyệt chén mời hư không
Mời nhau chén tạc chén thù
Đa tình tóc trắng đền bù lang thang
72.
Thiều quang lư ngã tại
Anh đào thôi hiểm tây phong tạ
Ly nhạn địa đàng không
Đào xuân nhắc ngọn gió đông
Nhạn đi trời đất rỗng không, còn mình
73.
Tạ hoa tiêu lạc hinh
Nhất biệt tha hương vong quốc hận
Thiên nhai hề ! Phong tán
Hoa tàn hương cũng bay đi
Lòng đau cố quận biệt ly đất trời
74.
Kim ba đạm ngọc di
Dạ thâm suy khởi tây phong khí
Lưu niên hề thôi hoán
Trăng sao giữ lại giùm tôi
Gió mùa Đông tới trùng khơi ngậm ngùi
75.
Tiêu Tương song bỉ ngạn
Ngư phù xích tố ký mai hoa
Kỷ thời tư hận thế
Cá về gửi gấm mùa xuân
Lòng riêng hoạn nạn ngàn năm nỗi buồn
76.
Sơ Kính Tân Trang lụy
Tiêu Sơn bội ước huyết tâm thư
Vong cục miên trường túy
Tiêu Sơn say giấc mộng dài
Quỳnh Như Phạm Thái phụ lời máu xương
77.
Khứ tình, nhân ly biệt
Nguyệt trung hàn quá hệ thu phong
Hỏi cố mang mang lệ
Trăng xanh lạnh buốt nơi này
Tình tan giọt lệ bồi hồi chia tay
78.
Phong lạc Hương Giang tự
Vi ba lô tước khiếu Xuân Thu
Hưng vong sầu tế vũ
Chim kêu lạnh bến sông dài
Mưa thưa nhỏ lệ đền đài thịnh suy

Nguồn:
www.hoiquannhactrinh.info /tcs/articles
www.vantuyen .net/ index
P.H.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét