Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Cơ quan quản lý phải có tiếng nói

Thực ra từ “báo lá cải” cũng chưa có định nghĩa cụ thể, tôi đã từng tra trên tài liệu và thấy có nơi người ta quan niệm là những tờ báo đi vào các nội dung vụn vặt, vụ án, đời sống người nổi tiếng… với nhiều cấp độ khác nhau.

Những tờ đó cũng có bạn đọc nhất định của họ. Tôi đã quan sát thấy một bà bán hàng ở chợ Đồng Xuân. Buổi sáng sau khi mở hàng, bà ấy lôi ra mấy tờ báo có nội dung giật gân, câu khách để đọc, ban đầu đó đơn thuần chỉ là việc giết thời gian nhưng sâu hơn một chút đó còn là tâm lý của độc giả báo chí và tâm lý xã hội. Tâm lý của con người luôn muốn biết những gì không bình thường, cái gì mà ít người biết.

Bản thân tôi chưa bao giờ cầm trên tay một tờ báo có xu hướng giật gân, câu khách như thế hiện nay, tôi không có nhu cầu đối với những tờ báo đó. Những tờ báo đi theo con đường này thực chất là đi theo vết xe đổ của các nước phương Tây trước kia. Đó là một nguy cơ cần cảnh báo. Tôi nhớ có một câu nói rằng: Khi ông chủ báo nhận được 1 đôla từ tiền bán báo thì xã hội cũng phải bỏ ra 5 đôla để sửa chữa hậu quả mà tờ báo đó gây ra. Còn bà Tống Mỹ Linh (phu nhân của ông Tưởng Giới Thạch) trong hồi ký của mình cũng từng cho biết bà không đọc báo nữa vì mỗi khi đọc báo bà lại thấy chán nản. Cuộc sống thì có cả mặt tốt và mặt xấu nhưng mặt xấu nhiều tự dưng con người thấy chán nản đi.
Bản thân những tờ báo có xu hướng đi vào những đề tài vụn vặt, câu khách như thế cũng có hai mặt, ví dụ như một vụ cướp của, giết người, bạn đọc qua đó có thể biết về những gì xảy ra, đồng thời có thể học được cách ứng phó trong tình huống đó nhưng ngược lại, có lúc tội phạm cũng học được cách cướp của, giết người từ những bài báo này. Xã hội nào cũng có những vấn đề như thế nhưng việc miêu tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng, rùng rợn những câu chuyện bi thảm như thế là không nên. Thời đại nào cũng cần những nhà báo có lương tâm.
Quản lý những tờ báo như vậy không phải là việc dễ. Tuy nhiên, khi cấp phép cho các tờ báo này, tờ nào cũng phải đưa ra được tôn chỉ, mục đích. Cơ quan quản lý nhà nước nên giám sát nội dung những tờ báo này dựa trên tôn chỉ mục đích đó của họ, nếu sai phạm thì phải điều chỉnh. Ở đây cần phải có tiếng nói của cơ quan quản lý. Trong vấn đề quản lý, cũng có yêu cầu là cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm về nội dung của tờ báo trực thuộc, tuy nhiên thực tế lại cho thấy cơ quan chủ quản không phải bao giờ cũng đủ thời gian, con người và trình độ để giám sát hết việc này.

Những nguyên tắc khi đưa tin về trẻ em
Trẻ em là đối tượng đặc biệt cần bảo vệ, bởi các em chưa hình thành nhân cách và năng lực đầy đủ để tự bảo vệ được mình. Đưa tin về trẻ em và giới trẻ cần hết sức cẩn trọng vì trong chừng mực nào đó, những thông tin này có thể dẫn đến nguy cơ trẻ bị kỳ thị, tổn hại hoặc trừng phạt.
Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ em của Unicef Việt Nam, cho biết: Unicef có những hướng dẫn cụ thể đối với các PV báo chí khi làm việc với trẻ em. Những nguyên tắc thiết yếu đó là:
- Phải đảm bảo quyền lợi tốt nhất với trẻ em.
- Nhân phẩm và quyền của mọi trẻ em phải được tôn trọng trong bất kỳ trường hợp nào. Không được “dán nhãn”, phân biệt đối xử hay kỳ thị trẻ (kể cả trẻ em chưa ngoan hay vi phạm pháp luật).
- Khi tiếp xúc và đưa tin về trẻ lên phương tiện truyền thông, phải có ý kiến chấp thuận của bố mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
- PV phải nói rõ mình là ai, muốn tìm hiểu việc gì, thông tin này sử dụng như thế nào.
- Phải đảm bảo sự riêng tư và bảo mật của trẻ (trong tất cả trường hợp, cần phải nêu tên tắt hoặc đổi tên, không đưa hình ảnh, địa chỉ của trẻ).
- Không được đưa tin về câu chuyện hoặc hình ảnh có thể dẫn đến những nguy hại cho trẻ dù những thông tin cá nhân không được đề cập hoặc đã được thay đổi.
Nhà báo HỮU THỌ
VIẾT THỊNH ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét