Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

HỘI THẢO VỀ NHÀ SOẠN TUỒNG BẬC THẦY NGUYỄN DIÊU


Mộ Nguyễn Diêu
NTT: Từ cuốn sách “Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – Ông đồ nghệ sĩ” của Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, một cuộc Hội thảo khoa học về “thân thế, sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu” đã được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định quê hương ông. Phải nói là cuốn sách khảo cứu của cụ Vũ Ngọc Liễn đã làm sống lại một sự nghiệp lớn của người thầy, tác gia tuồng kiệt xuất, “nghiệp sư” của danh nhân văn hóa Đào Tấn. Nhiều học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu tuồng… ngạc nhiên về sự nghiệp to lớn của Nguyễn Diêu khi được đọc và xem 3 vở tuồng của ông được in trọn vẹn trong cuốn sách này: Hồ Nguyệt Cô hóa Cáo, Ngũ hổ bình Liêu, Liệu đố (Chữa bệnh ghen). 
Sau Hội thảo, các đại biểu đã về làng Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) viếng mộ và nhà thờ Nguyễn Diêu. Cháu đích tôn hiện nay thuộc đời thứ 7 tính theo các đời: Nguyễn Diêu, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Nhiễu, Nguyễn Châu, Nguyễn Thế Trọng, Nguyễn Thế Tánh, Nguyễn Thành. Dưới đây là trích một số tham luận từ báo Bình Định:

Từ trái sang phải: nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: H.T
Ngày 24.5.2012, Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp Nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu đã thu hút sự tham gia của rất nhiều nhà hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật nổi tiếng. Hơn 30 tham luận gửi đến Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu là những góc nhìn phát hiện, kiến giải mới mẻ và sâu sắc về bậc “nghiệp sư” tuồng này với chung một tấm lòng kính ngưỡng.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: Nguyễn Diêu là “Nhân tài nghệ thuật đặc biệt”
Xuân Diệu từng gọi nhà soạn tuồng Đào Tấn là một “Nhân tài nghệ thuật đặc biệt”. Chúng ta cũng có thể dùng cách gọi này để nói về Nguyễn Diêu, thầy dạy chữ và nghiệp sư tuồng của Đào Tấn. Trước đây, chỉ mới biết Nguyễn Diêu là tác giả của bộ tuồng “Ngũ hổ bình Liêu”, tên tuổi của ông Tú ở làng Nhơn Ân đã vang lừng trong giới tuồng cả nước. Nhiều học giả đương thời đã coi bộ tuồng Ngũ hổ bình Liêu là một “kỳ thư” sân khấu, có giá trị rất cao về nhân văn và nghệ thuật, một trong những vở tuồng hấp dẫn nhất đối với công chúng. Chỉ cần là tác giả của một Ngũ hổ bình Liêu bất hủ, Nguyễn Diêu đã xứng đáng được đương thời và hậu thế tôn vinh. Nhưng Nguyễn Diêu không chỉ có Ngũ hổ bình Liêu, nhờ nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, chúng ta còn được biết ông là tác giả của một tuyệt tác khác là vở Tiết Giao đoạt ngọc. Nguyễn Diêu còn là tác giả của vở tuồng Liệu đố (Chữa bệnh ghen), tác phẩm chứa đựng nhiều khác lạ so với tuồng truyền thống và ngay cả với tuồng của chính ông trước đó. Nếu tuồng trước Nguyễn Diêu đều là bi hùng kịch, tuồng của Nguyễn Diêu trước đó là bi hài kịch (như Ngũ hổ bình Liêu) hoặc bi kịch (như Tiết Giao đoạt ngọc), thì vở Liệu đố có thể coi như một hài kịch trữ tình chưa từng có trên sân khấu tuồng…
 
Các nghệ sĩ tuồng không chuyên biểu diễn vở Hồ Nguyệt cô hóa cáo  phục vụ đại biểu dự hội thảo.
Di sản của Nguyễn Diêu để lại cho chúng ta không chỉ là những sáng tạo tuồng tuyệt tác, mà còn là một cách sống, cách làm nghệ thuật dung dị khiêm nhường. Chúng ta đã từng nói đến tầm vóc Nguyễn Trãi, tầm vóc Nguyễn Du, tầm vóc Đào Tấn và bây giờ cần nói đến tầm vóc Nguyễn Diêu. Đó là tầm vóc của những nhà hoạt động văn chương nghệ thuật vĩ đại không những của dân tộc mà còn của cả nhân loại.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải:
Ngũ hổ bình Liêu là vở bi hài kịch sâu sắc
Đọc Ngũ hổ bình Liêu của cụ Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, tôi hết sức ngạc nhiên vì tiên sinh sử dụng một thứ bút pháp trào lộng, nghiêm ngặt hiếm có, bởi thông thường các nhà nho viết theo lối chính kịch, chính luận. Ngòi bút của tiên sinh bình thản đến lạnh lùng. Tôi có cảm nhận cụ như một bác sĩ ngoại khoa với bàn tay điêu luyện, dùng con dao mổ cực sắc lách vào đến từng tế bào, từng vi huyết quản của các trang hảo hán được mệnh danh là “Ngũ hổ”, để bật ra tính cách tức là cái bản chất, cái phẩm chất của họ mà sử sách Trung Hoa thường tôn vinh vào hàng chính nhân quân tử. Tác giả làm chủ ngòi bút của mình một cách thật sắc sảo… Như thế, Ngũ hổ bình Liêu rốt cuộc chỉ là một ngoa ngữ. Sự thực là Ngũ hổ đã bị một tay công chúa Trại Ba hạ gục. Và năm vị tướng tài cùng hàng trăm vạn hùng binh của nhà Đại Tống xem ra chỉ là đội quân hàng mã. Chắc chắn cụ Nguyễn Diêu là bậc thông kim bác cổ, nắm rất vững văn hóa và lịch sử Trung Hoa nên có một bút lực rất vững vàng. Sự diễu nhại của cụ Nguyễn Diêu với Ngũ hổ bình Liêu cũng tức là khẳng định sức mạnh chân chính của dân tộc mình, khẳng định lòng yêu nước của một tri thức. Ngoài ra, còn có một ẩn ý khác mà tác giả muốn ám chỉ rằng triều Tự Đức lúc ấy cũng hèn nhát trước giặc ngoại xâm Phú lãng sa chẳng khác mấy nhà Nam Tống. Đó là thái độ can đảm, đồng thời cũng là thiên chức của nhà văn trước thời cuộc.
Nhà văn Hoàng Xuân Khánh:
Sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Diêu mang tính hiện đại
Khi xem tuồng của cụ Nguyễn Diêu, chúng ta sửng sốt vì không hiểu sao nghệ thuật của cụ lại gần với con người hiện đại đến thế. Cụ đỗ tú tài thời Tự Đức, sống giữa thế kỷ 19, mà sao uy văn táo bạo, hiện đại đến thế. Cụ đã đưa cả cái tính dục lên sân khấu. Hình tượng nhân vật Nguyệt Cô rất giống nhân vật ngày nay. Đó là người đàn bà si mê đến cuồng dại. Chỉ vì một chữ tình mà chịu mất ngọc, mất cả ngàn năm dày công tu luyện, chỉ vì một chữ tình mà từ kiếp người trở về kiếp cáo.
Nói đến tài nghệ viết tuồng của cụ Nguyễn Diêu, ta còn phải kể đến việc tạo ra khoảng lặng, tức là tạo ra những vùng để diễn viên khoe tài. Có thể nói cái giỏi của nhà biên kịch là viết đối thoại, độc thoại, nhưng cái giỏi còn là lúc vô ngôn. Trải qua nhiều lần biểu diễn, các thế hệ diễn viên đã cùng Nguyễn Diêu kết tinh sáng tạo nên “Chém cáo”, một vở tuồng đặc sắc long lanh trong kho tàng sân khấu dân tộc…
Nhà thơ, nhà nghiên cứu sân khấu Hoàng Kim Dung:
Cái nhìn mới đối với nhân vật phụ nữ trong tuồng Nguyễn Diêu

Với sự am hiểu sâu sắc của một nhà tâm lý học, nhà giáo dục học, trái tim nghệ sĩ của nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu đã cảm thương trân trọng, biểu đạt số phận cái đẹp của từng người phụ nữ trong từng cảnh ngộ khác nhau. Từ nhân vật Trại Ba công chúa, Địch mẫu, Địch Kim Loan (tuồng Ngũ hổ bình Liêu) đến nhân vật Nguyệt Cô (tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo), rồi Ngọc Mai, Kim Liên, bà Hương Mục (tuồng Liệu đố), có thể thấy đa phần các nhân vật nữ đã cùng gia đình làm tròn bổn phận của chữ trung, chữ hiếu. Nhưng ở đây xuất hiện sự dung hòa trong các bổn phận của trung, của hiếu, của tình, tạo sự khai phá mở đầu trong ý tưởng, phương pháp soạn tuồng của Nguyễn Diêu. Có thể thấy, vào thời đại của tác giả, quan niệm sáng tác đó rất mới. Đây cũng là sự đóng góp vào diện mạo phong phú của phương pháp sáng tác tuồng cho các thời kỳ tiếp theo trong di sản nghệ thuật tuồng truyền thống. Trong tác phẩm tuồng của Nguyễn Diêu còn cho thấy hiện tượng các nhân vật phụ nữ được tiếp cận từ đời thường; những mối quan hệ, những tình cảm đời thường vốn giản dị nhưng vô cùng cần thiết của người phụ nữ đã được ông khắc họa tinh tế, sâu sắc qua nghệ thuật tuồng vốn giàu tính ước lệ.
Đọc thêm: Tham luận của Nguyễn Trọng Tạo, tham luận của Nguyễn Thụy Kha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét