Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Lỡ mà đoạt giải Nobel?

Nhân vật “hot” nhất trong làng văn tuần rồi, có lẽ là ông Hoàng Quang Thuận (sinh năm 1953, hội viên hội Nhà văn Việt Nam năm 2011, hiện là viện trưởng viện Công nghệ viễn thông, thuộc viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) với hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” do tạp chí Nhà Văn (hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức ngày 8.8 tại Hà Nội.
 
2 tập thơ của Hoàng Quang Thuận. Ảnh: Việt Chiến /TNO

Mấy năm gần đây, Hoàng Quang Thuận nổi danh như một người làm thơ thiền. Sự việc lạ lùng được nhắc lại trong hội thảo là cách đây 15 năm (1997), Hoàng Quang Thuận đến Yên Tử, chỉ trong vòng ba đêm ông đã viết được 63 bài thơ, sau đó in thành tập Thi vân Yên Tử.
Năm 2000, Hoàng Quang Thuận cho ra mắt tập Ngoạ vân Yên Tử với 80 bài. Nhưng việc làm thơ của viện trưởng càng lạ lùng theo tường thuật của một số báo: ngày 4.4.2010, ông Thuận dâng hương tại một “đàn cầu thơ” ở vùng cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Trong vòng từ bốn giờ tới lúc mờ sáng, ông Thuận sau một làn gió lạnh đã “nhập đồng thơ” viết như người mộng du liên tục 121 bài thơ! Số thơ này được Hoàng Quang Thuận in thành Hoa Lư thi tập, về sau gộp với Thi vân Yên Tử và Ngoạ vân Yên Tử mà thành Thi vân Yên Tử in tam ngữ Anh – Pháp – Việt (NXB Giáo Dục 2010; Thái Bá Tân chuyển ngữ tiếng Anh, Hoàng Hữu Đản chuyển ngữ tiếng Pháp). Hoàng Quang Thuận cũng đã gửi tập thơ này cho nhiều nguyên thủ quốc gia và viện Hàn lâm Thuỵ Điển để xét giải Nobel Văn chương! Xin ngẫu nhiên dẫn ra đây một bài trong tập đã gửi xét giải Nobel để bạn đọc thưởng thức:
Đạt Ma sư tổ nhắm mắt thiền
Thiện nam tín nữ có kiếp duyên
Phổ độ chúng sinh từ bao kiếp
Đền thiêng ngài ngự ở bên thềm
(bài Đạt Ma 1).
Phát biểu tại hội thảo, khi nhắc lại việc trong vòng vài giờ “phóng bút” viết 121 bài thơ, ông Thuận cho rằng “nếu nhận mình là tác giả thì sẽ có tội, bởi đây không phải là những bài thơ thông thường, mà có lẽ tiền nhân mượn bút tôi để viết”! Nghĩa là đã có hiện tượng “nhập đồng thơ”?
Thiền – tục, hay – dở, nóng – lạnh… là chuyện còn phải bàn dông dài. Nhưng sự việc một người tự cho là không chuyên nghiệp về thơ, trong vài giờ viết đến hơn trăm câu thơ, khiến nhiều người (trong đó có các nhà thơ chuyên nghiệp) mắt tròn mắt dẹt. “Nếu như có người đọc cho, chỉ chép thôi thì cũng không chắc kịp” – một nhà thơ lắc đầu. Và, có người lại thắc mắc: “Nếu như tiền nhân mượn bút thì cùng lắm chỉ viết vài câu, vài bài đắc địa, đằng này viết hơn cả trăm, hoá ra tiền nhân này cũng… chạy đua về số lượng?” Trên một số diễn đàn mạng, những ý kiến xung quanh vụ “nhập đồng thơ” này còn rôm rả hơn nhiều.
Riêng người viết bài này chỉ dám trình ra một băn khoăn nho nhỏ: viện trưởng Hoàng Quang Thuận bảo tiền nhân mượn bút mình làm thơ, nghĩa là đã có một đồng tác giả dù là… hư ảo. Vậy lỡ tập thơ này được trao giải Nobel thì việc “chia chác”, “cúng dường” sẽ tính thế nào?
Trần Nhã Thuỵ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét