Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Suýt gặp nạn vì một câu thơ

Trịnh Anh Đạt
 
Chuyện sảy ra ở một thị trấn nhỏ bên bờ con sông Đáy vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Thị trấn nghèo xác xơ ấy, ngày đêm ngập chìm trong bụi than,  bụi đá, bụi vôi, khói và tiếng chuông nhà thờ ngân.
     Anh bạn tôi làm nghề rèn truyền thống “Cha truyền, con nối” chị vợ mở quán cơm phở bình dân, tần tảo nuôi mười miệng ăn. Dân cả vùng đói nghèo như dòng sông nhỏ bé, hàng ngày bị bã đá, bã vôi, than xỉ lấp dần đôi bờ con sông.Một lần gặp nhau, anh bạn than thở:
“- Khổ quá ông giáo ạ. Hàng quán ế ẩm, khách ăn chịu nợ, ký sổ… Vốn liếng cứ cụt dần.” Rồi anh kết luận :“- Cho chịu nợ là mất khách, “mất cả chì lẫn chài”. Quả thật vợ chồng tôi không muốn bán chịu, bắt chước người ta cứ để cái biển to tướng “Ở đây không bán chịu” hoặc “Miễn chịu” thấy nó thiêu thiếu văn hóa thế nào ấy. Ông giáo nghĩ giúp tôi một câu gì để chẳng mếch lòng ai. Đọc lên ai cũng thấy nói về mình, mà không nghĩ nói về mình”.
     Tôi phát hoảng lên vì đơn đặt hàng quá chân thành và kính trọng của anh. Không thể từ chối, tôi tìm hiểu kỹ “Chân dung con nợ “ của vợ chồng anh, mới hay đối tượng ký sổ thường là những kẻ “bốc giời bỏ bị” họ kéo vào quán trong tâm trạng đầy phấn kích “Ăn to nói lớn”, “Tiền hô hậu ủng”:”-“Hôm nay cho các đàn em  “xả láng !”. Vô tư đi! Anh vừa “trúng mánh”. Hoặc: “- Bà chị! Tùy hứng “dzô” chứ bà chị? “Quả” hôm nay trúng đậm thế cơ mà” V.v…và v.v…
Khi đã “mồi dư tửu hậu” họ lũ lượt kéo đi, quẳng lại phía chủ quán một câu lạnh lùng, ráo hoảnh: “- Ê! Chủ quán!... Ký sổ!”
                                                    
                                                     *
                                                 *       *
   
   
    Để đáp lại tấm lòng ngưỡng mộ của bạn, một tuần sau tôi đã có tác phẩm trình làng. Gọi là “tác phẩm”  vì các cung đoạn từ A đến Z là do tôi đích thân thực hiện. Anh vui mừng, hồ hởi và rất tự hào về cái “tác phẩm độc nhất vô nhị” này. Gặp ai, anh cũng khoe “:- Của ông giáo làm tặng tôi đấy!”
       Ít lâu sau đến thăm anh, thấy thấp thoáng bóng tôi, anh chạy ra tận cửa đón, miệng nói líu tíu, mặt cắt không ra máu :
“- Ôi nguy rồi, nguy rồi! Ông giáo phải đi khỏi đây ngay! Ông Đá và ông Vênh đang theo dõi ông đấy!”.
Chẳng hiểu “mô tê”, tôi chấn tĩnh bảo anh:
“- Thôi ta vào nhà, vào chỗ kín nói chuyện.”
Quên cả pha trà mời tôi, anh kể một mạch:
“- Hôm rồi ông Vênh trưởng trạm y tế dẫn ông Đá, bí thư thị trấn vào quán tôi chiêu đãi. Trong lúc chờ ăn, đọc câu thơ của ông giáo, cả hai người cứ tấm tắc khen hay, họ hỏi tôi, tôi cũng chẳng dấu diếm, nói là của ông giáo làm tặng. Thế rồi lúc no say, hai ông ấy lại dở giọng: “- Láo! Đây là một câu thơ phản động! Bêu xấu xã hội! Nếu ông bà không cho dỡ xuống, chúng tôi sẽ ra lệnh đóng cửa quán, hoặc tống tù kẻ lộng ngôn!...” “- Ông giáo ơi! Mong ông thông cảm” Anh khẩn khoản: “- Vì mười miệng ăn, mà tôi phải dỡ tấm biển của ông giáo xuống rồi. Tôi có tội quá!”
Anh rơm rớm nước mắt… Trong tôi trào dâng bao nỗi nghẹn ngào, chua xót. Tôi đường đột hỏi anh:
“- Nhưng điều quan trọng nhất là khi no say rồi, các ông ấy có sòng phẳng với anh chị không?”.
“- Không! Họ ký sổ và hẹn chiều nay đem trả”
Anh nhìn tôi. Còn tôi thì cười phá lên:
“- Anh yên tâm đi. Tôi không đi đâu cả, sẽ ở lại để đối chất với họ.”
Nghe nói vậy, anh hoang mang, lo lắng, nói như mếu:
“- Tôi xin ông giáo! Có mệnh hệ gì, tôi ân hận suốt đời!”
“- Không! Anh yên tâm. Rồi dứt khoát: “- Tôi là người lính, từng hy sinh, đổ máu cho độc lập, tự do của đất nước này, vì vậy tôi không bao giờ đối đầu với dân, với chính quyền. Phải vạch mặt bọn cơ hội, dựa danh bắt nạt, hà hiếp dân lành để chịu nợ, lừa đảo!”
 
 Chiều ấy tôi quyết ở lại quán anh, và Vênh đến thật. Ngất ngưỡng vào nhà, thấy tôi, Vênh nói như hô: “-A! Chào “ Nhà thơ!”. Rồi chìa bàn tay múp míp ra cho tôi bắt. Tôi không bắt tay Vênh, Vênh nhíu mày nói tiếp:
“- Chúng tôi cảnh giác lắm “Nhà thơ” ạ! Trai gái đất nước này, anh hùng, tài giỏi là trên trận tuyến chống giặc ngoại xâm, chứ không phải là vào quán ăn chịu như ông nghĩ.”
       Tôi nhìn thẳng vào mặt V.:”- Ông là gì mà nhân danh pháp luật buộc tội tôi? Việc phải làm ngay là sòng phẳng khoản nợ của bạn tôi đã!”
Vênh sững người, lúng túng móc ví, lấy tiền ra trả nợ. Tôi cười nói:
“- Rất cảm ơn ông Vênh!”
Rồi chủ động chìa tay ra cho Vênh bắt. Nắm bàn tay tôi, Vênh rụt ngay tay lại  như chạm phải lửa, miệng ú ớ:
“- Ơ… Lúc nãy... Ông... Ông... ông không bắt tay tôi???!!!”
“- Vâng!” Tôi nói  :“- Tôi chỉ quen bắt tay những người sòng phẳng!”
Vênh ngượng ngùng bước ra khỏi quán. Anh bạn tôi lấy tấm biển treo lên chỗ cũ rồi đọc rõ to cho mọi người cùng nghe câu thơ tôi viết:
Trai tài gái giỏi ở đâu
Vào đây sao nỡ nói câu –“ CHỊU TIỀN!”
                    
TAĐ
Nguồn: trannhuong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét