Nguyễn Huy Thiệp là ông thầy phù thủy chữ nghĩa. Chỉ với 24 chữ cái và 6 dấu thanh điệu, ông đã làm mê hoặc người đọc, tạo nên bao nhiêu sóng gió trong làng văn bút. Người đọc vẫn đang mải mê “đi tìm” Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn biết cách nối thế giới cần lao với tiên cảnh, biết cách phù phép cho mỗi con chữ, mỗi câu văn, mỗi thiên truyện tầng tầng lớp lớp ý nghĩa và mở cho người đọc muôn nẻo cách đọc khác nhau…
Nhìn từ phương diện xã hội học văn học, vấn đề nhà phê bình - người đọc (độc giả) và thị hiếu văn học ngày càng được khảo sát, phân tích sâu sắc hơn. Trong thực chất, thương hiệu “nhà phê bình” chính là sự đặc tuyển từ vô vàn những người đọc, làm nên một kiểu người đọc chuyên nghiệp, có nghề, có khả năng định hướng thị hiếu bạn đọc và dư luận xã hội.
Rõ ràng thị hiếu là một phương diện quan trọng trong toàn bộ đời sống văn học, tồn tại vừa như một phân đoạn trong hệ thống liên hoàn: hiện thực xã hội - nhà văn - công chúng bạn đọc; vừa tác động vừa chịu sự qui định trở lại của của các phương diện khác. Song đã nói đến thị hiếu tức là nói đến sở thích riêng: người này nhạy cảm với tâm sự u hoài lắng đọng, người kia thích hài hước, người khác đam mê vẻ ly kỳ trong các tác phẩm tâm lý xã hội, viễn tưởng, trinh thám. Trên cơ sở thị hiếu cá nhân lại dần dần hình thành những nhóm thị hiếu… Chính trên cơ sở này mà các nhà lý luận cho rằng câu chữ văn bản chỉ có “Một” song lại có “Vô vàn tác phẩm” với ý nghĩa mỗi người đọc là một thực thể độc lập, có khả năng tiếp nhận, thanh lọc, chuyển hóa văn bản theo “tầm nhìn biến đổi” một cách riêng biệt (1).
Theo dõi suốt thế kỷ XX, có thể thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành một hiện tượng của sáng tạo văn học và đồng thời cũng là hiện tượng của những cuộc trao đổi, tranh luận quyết liệt giữa những người đọc, người phê bình và trong chính giới sáng tác. Chính thức xuất hiện trên văn đàn với tập truyện ngắnTướng về hưu (2) in trên giấy nứa đen nhẻm gồm 10 truyện được viết theo phong cách “giả cố tích” (Trái tim hổ, Con thú lớn nhất, Nàng Bua, Tiệc xòe vui nhất, Sói trả thù, Đất quên, Chiếc tù và bị bỏ quên, Sạ, Nạn dịch, Nàng Sinh) trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát và 9 truyện ngắn in đậm sắc màu truyền kỳ (Tâm hồn mẹ, Huyền thoại phố phường, Chảy đi sông ơi, Tướng về hưu, Muối của rừng, Chút thoáng Xuân Hương, Giọt máu, Không có vua, Con gái thủy thần), Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một trận “sóng thần” trong đời sống văn chương.
Ngay sau khi tập truyện ngắn Tướng về hưu in được một năm đã xuất hiện tập sách Nguyễn Huy Thiệp - Tác phẩm và dư luận(3), trong đó có tuyển những bài phê bình, trao đổi tiêu biểu về Nguyễn Huy Thiệp. Hơn mười năm sau, tập sáchĐi tìm Nguyễn Huy Thiệp(4) do Phạm Xuân Nguyên thực hiện đã đóng vai trò tổng thành, kịp thời tập hợp được hầu hết những tiểu luận nghiên cứu, phê bình, trao đổi, tranh luận, giới thiệu, đọc sách và điểm sách cơ bản nhất liên quan đến sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Qua công trình tập hợp này có thể xác định được chân dung của từng người đọc, dấu ấn của từng quan điểm, từng phong cách phê bình và có thể phân loại thành những cách đọc, những nhóm độc giả và những kiểu loại thị hiếu khác biệt nhau.
Tập sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp gồm 54 mục bài đã tập hợp và bao quát được những ý kiến luận bình cơ bản nhất xung quanh hiện tượng sáng tác Nguyễn Huy Thiệp. Nói cách khác, có thể coi đây là câu chuyện "Người đương thời Nguyễn Huy Thiệp bàn về Nguyễn Huy Thiệp", khi mà nhận thức trong xã hội và văn giới còn đầy tính trực cảm, mỗi người đều phải bày tỏ rõ ràng chính kiến, quan niệm, chưa có độ lùi thời gian để tổng kết, kết luận. Châu tuần vào cuộc thẩm định và tranh luận sôi nổi này có mặt hầu hết các anh hùng hảo hán của làng sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học trong nước như Diệp Minh Tuyền, Bùi Hiển, Hồ Phương, Mai Ngữ, Nguyễn Văn Bổng, Bùi Bình Thi, Đông La, Trần Duy Thanh, Đỗ Trung Lai, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Đức Hiểu, Đỗ Văn Khang, Đặng Anh Đào, Nguyễn Hải Hà, Văn Tâm, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Hồng Diệu... Rồi thêm những hội thảo bàn tròn, phỏng vấn, điều tra dư luận... Rồi còn bài viết của các tác giả từ Nga, Pháp, Mỹ, Australia... Hỏi dư luận đã thấy gì ở trang văn Nguyễn Huy Thiệp ?
Có một điểm dễ thống nhất, dù khen dù chê, các ý kiến đều thừa nhận văn Nguyễn Huy Thiệp mới mẻ, hấp dẫn, có “Ma lực”. Quả thực có một giai đoạn, nhất là ở chặng đường khởi đầu, mỗi truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện đều là một quả pháo đùng gây tranh luận, bàn cãi - bàn cãi đến quyết liệt. Dường như trong tâm thế thời Đổi mới, bạn đọc dễ đồng cảm với cái mới, tự ý thức về cái mới như một biểu hiện của sự trưởng thành, đổi mới trong tư duy văn học. Vì thế, cái mới trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp cũng được tiếp nhận trong sự đối sánh với cái cũ quen thuộc để nhận chân cả quá trình tiếp nối và phát triển: “Có một thời văn học của ta nặng về ca ngợi, biểu dương những phẩm chất tốt đẹp, những con người thuộc về khối cộng đồng nhân dân ta, dân tộc ta, xã hội ta” (Hoàng Ngọc Hiến); “Anh đã thoát khỏi căn bệnh trầm kha lâu nay văn học ta vẫn mắc phải: chủ nghĩa đề tài” (Diệp Minh Tuyền); “Đã có một thời quá dài, văn học nghệ thuật ta thường thiên về cái chung, cái phổ biến khi xây dựng cốt truyện và tính cách nhân vật” (Nguyễn Mạnh Đẩu); “Sáng tác đã thay đổi về căn bản - không chỉ còn là “công cụ” hoặc “phương tiện” của chính trị nữa - thì phê bình cũng phải thay đổi hẳn. Không phải là thôi “gác cửa” ở chỗ này thì “gác cửa” ở chỗ khác hoặc chuyển sang làm ngược vai trò của người “gác cửa” - thì gọi là đổi mới” (Đỗ Trung Lai) v.v... Ở đây tôi hiểu rằng cả Hoàng Ngọc Hiến, Diệp Minh Tuyền và hai nhà báo quân đội Nguyễn Mạnh Đẩu, Đỗ Trung Lai đều không hề phủ nhận quá khứ - càng không có cái gọi là phủ nhận nền văn học cách mạng trước đây - mà chỉ nhằm xét duyệt, chỉnh lý mặt hạn chế trong tổng thành giá trị nền văn học một thời. Có đặt trong sự so sánh ấy mới thấy được những đóng góp đích thực của Nguyễn Huy Thiệp - người vừa là hiện thân, đỉnh cao và “lãi lớn” trong cuộc canh tân văn học cuối thế kỷ XX này.
Còn nhớ bao nhiêu năm qua, hồi giữa thập kỷ Tám mươi của thế kỷ trước, anh bạn Trịnh Bá Đĩnh - bây giờ là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng phòng Phòng Lý luận Văn học, cây bút dịch thuật và phê bình nổi trội ở Viện Văn học - cứ cách nhật buổi sáng lại lóc cóc đạp xe đến nhà tôi trong làng Giảng Võ chỉ để cùng luận bình về... Nguyễn Huy Thiệp. Nói: “Tình hình gay quá ông ạ! Có hai bài đánh!”. Cách nhật, bảo: “Lại đánh tiếp hai bài dữ lắm! Gay go quá!”. Rồi sau lại thấy bảo: “Ổn rồi!”... Cứ như thế, khắp trong Nam ngoài Bắc, từ công sở đến tư gia, từ bàn biên tập đến quán nước, đâu đâu cũng thấy người đọc và luận bình Nguyễn Huy Thiệp.
Nhìn lại hành trình “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” có thể thấy rõ hai luồng ý kiến chính. Một phía thiên về phản ứng, thậm chí phê phán quyết liệt: “Ngòi bút của anh Thiệp đúng là của hiếm. Của hiếm của một tài năng đồng thời cũng là của hiếm của một bệnh lý, sự vội vã định hình, sự bộc lộ sâu sắc cái tâm lý chủ đạo là chối bỏ và phản kháng, lật đổ và hạ bệ mọi thần tượng” (Mai Ngữ); “xô ngã thần tượng” (Vũ Phan Nguyên); “bắn súng lục vào quá khứ” (Nguyễn Thuý Ái). Có tác giả như Đỗ Văn Khang say mê viết tới bốn bài, lội ngược dòng tìm lời giải đáp cho một định đề tư tưởng: Vì sao văn của Nguyễn Huy Thiệp ngày càng sa sút!... Còn lại một phía khác, được hiểu như dòng chủ lưu, thì nồng nhiệt chào đón, đánh giá cao, cho rằng tác giả xứng đáng nhận tặng thưởng “cây bút vàng” (Vương Trí Nhàn); “Lâu lắm rồi văn học Việt Nam mới xuất hiện một hiện tượng như hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp... Hy vọng chúng ta sẽ còn được đọc nhiều tác phẩm hay hơn nữa của anh. Có điều là mong cho anh có đầy đủ bản lĩnh để đứng vững trước những lời chê bai. Và cả những lời khen” (Diệp Minh Tuyền); “Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện như một tài năng, ngày càng có nhiều sự bàn cãi” (Nguyễn Văn Bổng); “Tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện với một giọng điệu mới, một bút pháp sắc gọn, trẻ trung, rất thích” (Hồ Phương); “Trong hành trình “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”, tôi thấy một giọt vàng rơi vào lòng mình, giọt vàng ròng ngời sáng. Đó là truyện ngắn của anh” (Đỗ Đức Hiểu)...
Ngoài hai luồng ý kiến chính nêu trên, tập sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp còn có nhiều tiểu luận nghiên cứu thực sự chuyên sâu, công phu, tâm huyết. Nhiều tác giả đặt vấn đề phân tích từng hình tượng nhân vật, từng truyện ngắn, từng cụm đề tài (nông thôn - miền núi - thành thị), từng phương thức sáng tác (hiện thực - huyền thoại - lịch sử - giả cổ tích), từng thủ pháp nghệ thuật (thi pháp dân gian - vai trò người kể chuyện - nghệ thuật barôc), mở rộng liên hệ tới bút pháp sử ký, truyền kỳ phương Đông và cả dấu ấn văn học hiện đại Mỹ La-tinh… Phải chăng đó chính là những phương diện xác định giá trị đích thực các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và rồi được bạn bè quốc tế đón nhận, được dịch sang các tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia... Xin đơn cử lời đánh giá của Tiến sĩ G. Lockhart: “Hơn nữa, theo tôi đây là một tác giả Việt Nam có tài năng ngang tầm với những nhà văn xuất sắc quốc tế. Vì thế tôi nghĩ rằng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là một đóng góp cho văn học thế giới hiện đại” (Ở đây tôi xin nói lại, trước đây có nhà phê bình “bất cần lý luận” đã lên tiếng chê bai: Ồ, cái ông Ốp ông Ép ấy, biết gì!)...
Đánh giá hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp từ góc độ tiếp nhận văn học và các mối quan hệ lịch sử - xã hội có thể thấy nhà văn chính là một sản phẩm, một giá trị đồng hành với công cuộc Đổi mới. Nhiều ý kiến đã nhận định Nguyễn Huy Thiệp“là một dòng mạch xuất hiện đồng thời với đổi mới” (Nguyễn Đăng Mạnh); thêm nữa, còn khẳng định mạnh mẽ ý nghĩa công cuộc Đổi mới đã sinh thành nên nhà văn: “Phải nói ngay rằng không có công cuộc đổi mới trong đời sống văn hoá văn nghệ hiện nay thì không thể có hiện tượng mới Nguyễn Huy Thiệp. Anh gặp thời!”(Diệp Minh Tuyền), “Nhưng anh vẫn là một người có hồng phúc, bởi với một người khác, ở hoàn cảnh xuất hiện khác, những trang văn trĩu nặng suy tư như của anh không dễ được xuất hiện, nếu có được xuất hiện cũng không dễ được người ta xúm lại bàn tán” (Đông La); “Chúng tôi nghĩ, hiện tượng Nguyễn huy Thiệp là sản phẩm tất yếu của sự gặp gỡ giữa tài năng với khát vọng dân chủ và đổi mới mà sự vận động ý thức xã hội cũng như văn học sau 1975 đem lại” (Nguyễn Hải Hà - Nguyễn Thị Bình... Như thế, bên cạnh những tặng thưởng “cây bút vàng”, có thể coi Nguyễn Huy Thiệp là “nhà văn anh hùng” của thời kỳ Đổi mới!
Đọc Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, hẳn không phải tôi đã tán đồng với tất cả mọi ý kiến khen cũng như chê trong tập sách. Tôi chỉ làm công việc tường thuật và luận bình các ý kiến bàn về Nguyễn Huy Thiệp. Dĩ nhiên mỗi nhà phê bình sẽ chịu trách nhiệm về những ý kiến riêng của mình. Chỉ có điều, hậu thế sẽ soi vào từng trang sách và bảo: Mỗ này trắng, Mỗ này đen, Mỗ này nhờ nhờ! (5)...
*
Về các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, ngay cả những người cực đoan nhất cũng thừa nhận văn ông đọc thật hấp dẫn, có ma lực, luôn lôi cuốn, gợi mở, đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, mình tưởng thế này thì câu chuyện lại chuyển sang hướng khác, mình lý giải kiểu này hóa ra lại còn bao nhiêu điều thuận chiều và nghịch lý khác nữa. Ở đây chỉ xin thử nêu một cách đọc, một cách phân tích, thẩm bình hai đoạn ngắn trong truyện Không có vua và những câu song trùng mở đầu - kết luận trong truyện Những người thợ xẻ của Nguyễn Huy Thiệp.
Cũng như nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp, Không có vua là một phức hợp của những tính cách nhân vật, tình tiết, cốt truyện. Ở đây chỉ xin bàn về tính phức hợp của các tính cách nhân vật và sự gợi mở những cách đọc, các khả năng tiếp nhận và ý nghĩa thanh lọc của câu chuyện.
Đọc một đoạn văn trong truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp:
“Đoài lên giường giở báo ra đọc. Sinh dọn dẹp một lúc rồi xuống đi tắm. Sinh xách hai xô nước vào trong buồng tắm, khép cửa lại.
Lão Kiền loay hoay dưới bếp, nghe tiếng dội nước ở buồng tắm, thở dài, bỏ lên nhà. Đi vài bước, lão Kiền quay lại, vào trong bếp, bắc chiếc ghế đẩu, trèo lên nín thở ngó sang buồng tắm. Trong buồng tắm, Sinh đứng khỏa thân.
Đoài đang lim dim ngủ, thấy Tốn giật áo ngồi dậy hỏi: “Cái gì?”. Tốn xua tay, dắt Đoài xuống bếp, chỉ lão Kiền đang đứng kiễng chân ở trên ghế đẩu. Đoài cau mặt tát Tốn rất đau. Tốn ngã vập mặt xuống cái xô đựng nước, trên có tấm giẻ lau. Lão Kiền vội tụt xuống ghế, nép ở cánh cửa, lát sau chạy ra hỏi: “Sao đánh nó?”. Đoài bảo: “Nó vô giáo dục thì đánh”. Lão Kiền chửi: “Thế mày có giáo dục à?”. Đoài nghiến răng nói khẽ: “Tôi cũng vô giáo dục nhưng không nhìn trộm phụ nữ cởi truồng”. Lão Kiền im.
Đoài lên nhà, rót rượu uống. Lão Kiền đỡ Tốn dậy. Tốn xách xô nước, ngồi thụp xuống lau nhà. Lão Kiền đi lên bảo Đoài: “Rót tao một cốc”. Uống cạn cốc rượu lão Kiền bảo: “Mày có học mà tệ. Bây giờ tao nói chuyện đàn ông với mày”. Đoài bảo: “Tôi không tha thứ đâu”. Lão Kiền bảo: “Tao chẳng cần. Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b…”. Đoài ngồi im, uống thêm một cốc rượu nữa, rồi bỗng thở dài: “Kể cũng phải”. Lão Kiền bảo: “Làm người nhục lắm”. Đoài hỏi: “Thế sao không lấy vợ lẽ?”. Lão Kiền chửi: “Mẹ cha mày, tao chỉ nghĩ thân tao, thì lũ chúng mày được thế này à?”. Đoài rót ra một cốc rượu nữa, tần ngần: “Bố uống rượu nữa không?”. Lão Kiền quay mặt về phía bóng tối, lắc đầu. Đoài nói: “Con xin lỗi bố”. Lão Kiền bảo: “Bây giờ mày như đào kép diễn trên tivi” (6)...
Trường đoạn câu chuyện trên đây xảy ra vào buổi chiều sau đám giỗ bà vợ lão Kiền. Tất cả có bốn nhân vật. Đoài làm việc ở Bộ Giáo dục, ít tiền nhưng khôn ngoan, bẻm mép, từng có hành vi “nhìn chăm chú vào khoảng lõm ở ngực chị dâu”, “đưa tay chạm vào lưng chị Sinh”, đã từng: “Nói rồi xán lại, hôn chút lên má Sinh. Sinh đẩy ra, Đoài hổn hển: “Tôi nói trước, thế nào tôi cũng ngủ được với Sinh một lần”… (Ấy thế mà ngay sau đó Đoài lại có cái quyền tra vấn, xét hỏi, xét xử người bố của mình). Cô Sinh là con dâu, người vô can, thụ động và là chứng nhân: “Sinh lọt vào gia đình nhà này tựa như cơn mưa rơi xuống đất nẻ. Không khí dịu lại” (Cho đến lần này, cô là nguyên cớ nhưng vẫn ngoại phạm, vô can, vô tình)… Ở đây lão Kiền là nhân vật chính, vợ mất đã mười một năm, lúc đó lão năm mươi ba tuổi, “cái tuổi oái oăm, lấy vợ nữa cũng dở, không lấy vợ nữa cũng dở. Lão Kiền chọn cái dở ít hơn, ở vậy”. Thế nhưng trong cái buổi chiều cay đắng ấy, khi nghe tiếng dội nước ở trong buồng tắm, lão “thở dài, bỏ lên nhà”. Không có diễn biến tâm lý, chỉ có hành động, chỉ có bước chân bản năng và một khoảnh khắc vô thức, mộng du, liều lĩnh, quyết đoán: “Đi vài bước, lão Kiền quay lại…”. Còn lại nhân vật Tốn là đứa con út dị dạng lại chính là người đưa ra ánh sáng một vụ việc éo le, chắp nối đưa đường cho kẻ vô - giáo - dục làm việc ở Bộ Giáo dục có tên là Đoài được quyền chỉ trích, trấn áp, hạ nhục người cha đã hết lòng hy sinh vì những đứa con.
Trong đoạn văn trên, tiếp nối sau sự kiện lão Kiền “nín thở ngó sang buồng tắm” là hành động và đối thoại chuyển từ quan hệ Tốn - Đoài đến Đoài - lão Kiền. Tại sao khi được Tốn mách bảo thì Đoài lại tát Tốn? Trong tâm tưởng, Đoài luôn buông thả dục vọng, cho mình có quyền chiếm hữu chị dâu. Bây giờ Tốn đã chỉ cho Đoài biết một thế lực khác cũng có mưu mô và ganh đua với y. Trong vô thức, Đoài tức giận “đá thúng đụng nia”, quay ra đánh Tốn và qui kết Tốn là “vô giáo dục” nhưng trong thực chất nhằm ám chỉ người cha. Rồi Đoài đóng vai người tử tế, thừa gió trút bỏ xung lực giận dữ lên lão Kiền và dồn người cha đến đường cùng, buộc ông phải im lặng, chấp nhận cuộc thua.
Đoạn văn tiếp theo miêu tả cảnh cha con uống rượu. Lão Kiền biện luận, bào chữa, biện báo, níu kéo, viện dẫn lẽ phải về mình dựa theo tấm phao lý sự bản năng, cái phần bản tính dục vọng “chuyện đàn ông”, “chẳng nên xấu hổ”… Trong tâm ý sâu xa, Đoài thừa nhận cái định đề người cha đã nói thẳng ra, tự liên hệ, nhìn lại chính mình nên bỗng “thở dài” và thừa nhận: “Kể cũng phải”. Lão Kiền tiếp tục chỉ rõ những nghịch lý và cay đắng của kiếp người trong hoàn cảnh cụ thể này: “Làm người nhục lắm”. Câu chất vấn của Đoài: “Thế sao không lấy vợ lẽ?” chỉ tự tố cáo và chứng tỏ y là người nông cạn, mới sống với phần bản năng mà chưa chạm được tới cái phần nhân tính ở người cha. Câu chửi buông thòng của lão Kiền: “Mẹ cha mày, tao chỉ nghĩ thân tao, thì lũ chúng mày được thế này à?”. Chính câu hỏi hồn hậu này đã thức tỉnh Đoài, giúp Đoài đốn ngộ, chết lặng đi mà hiểu rằng chính cha mình đã hy sinh tất cả, dìm đến đáy cả cái phần bản năng gốc của mình từ ngày năm mươi ba tuổi mồ côi vợ qua suốt mười năm, để đến lúc này chúng bỗng thức tỉnh, để phần “con” trỗi dậy lấn át phần “người”.
Ở đoạn văn này cần đặc biệt chú ý đến tình tiết hai cha con uống rượu. Ban đầu, Đoài chủ động bỏ lên nhà rót rượu uống. Lão Kiền theo sau và phải xin/ sai Đoài rót cho một cốc rượu mới đủ dũng lực để nói chuyện sòng phẳng với anh con trai - phán tòa. Với Đoài, việc uống thêm cốc rượu không giúp anh ta có thêm dũng lực tranh biện với cha già mà ngược lại, nó giúp anh tỉnh táo, dần hiểu ra cơ sự và cả nỗi đau, niềm cảm thông và sự kính trọng với người cha nặng đức hy sinh. Chỉ đến khi Đoài rót thêm cốc - rượu - mời đốn ngộ, cốc - rượu - mời lượng thứ, tri ân nhưng người cha không nhận, chua chát quay đầu vào bóng tối, lắc đầu, thì chính khi ấy Đoài mới hiểu được cả một trời đau thương, mâu thuẫn giữa đức hy sinh và bản năng, giữa phẩm chất NGƯỜI và phần dục tính CON NGƯỜI ở cha mình. Lão Kiền càng nén chịu, càng hy sinh nhu cầu tình cảm riêng tư “chuyện đàn ông”, “chẳng nên xấu hổ” vì các con thì hành vi “thở dài”, “nín thở ngó sang buồng tắm” của lão càng tạo nên tính kịch và những day dứt thẳm sâu trong vô thức con người. Lão đã hy sinh, đã dồn nén, đã hết lòng vì các con để “lũ chúng mày được thế này à?” nhưng rồi trong một khoảnh khắc đành buông xuôi, để cho dục vọng nhấn chìm, quên đi đạo lý, quên đi cả phẩm chất NGƯỜI trong con người mình. Qua đoạn văn, có thể nói Nguyễn Huy Thiệp đã hát lên khúc ca bi tráng về dục vọng và những giá trị nhân văn, về khả năng thức tỉnh phẩm chất con người trước những hệ lụy giữa cuộc đời thường muôn khó ngàn yêu.
Lại đọc tiếp một đoạn văn ngắn trong truyện ngắn Không có vua:
“Ba ngày tết trôi qua, lòng đường đầy xác pháo. Ai cũng có cảm giác ngày Tết trôi nhanh! Ngày nào mà chẳng trôi nhanh, hở giời?”(7)…
Đoạn văn có ba câu ngắn gọn. Câu thứ nhất chỉ là lời mô tả, ghi nhận một hiện trạng mà ai cũng trông thấy, có thể đo đếm được. Câu thứ hai biểu cảm một trạng thái tâm lý đúng với ngàn đời: Ngày vui ngắn chẳng tày gang (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nhưng đến câu thứ ba thì Nguyễn Huy Thiệp đã đặt con người trước một cảnh giới Phật, trước sự mênh mang miên viễn của thời gian, trước ý thức về dòng chảy thời gian đang vùn vụt qua đi và trước cảm quan Phật giáo “Sinh ký tử qui” (Sống gửi thác về). Không phải chỉ ba ngày Tết trôi nhanh! Sự thật ngày nào cũng trôi nhanh, từng sát - na qua đi, từng giây từng phút qua đi, từng giờ, từng sớm, từng chiều vùn vụt qua đi. Chỉ từ câu trước đến câu sau, nhà văn đã đưa người đọc từ thực tại đời thường đến cõi thiên giới, trước những suy tư suy tưởng về thời gian, về từng giây lát đời người đang vùn vụt một đi không trở lại. Chao ôi là thời gian! Mỗi giây lát ta đang sống đây là đang tiến dần về cõi chết. Miếng da lừa thời gian đang dần co hẹp lại. Đó là cái thảm trạng hạnh ngộ của kiếp con người: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô (Thân như bóng chớp có rồi không - Nguyễn Vạn Hạnh). Đến Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn không hỏi con người mà hỏi giời, hỏi cõi hư không, vô thủy vô chung. Đáp lại câu hỏi ấy là tiếng vọng của sự tỉnh thức, là sự ý thức về thời gian, về nỗi khắc khoải in đậm sắc màu triết học và ý nghĩa kiếp người mang căn tính Phật.
Đối sánh hai đoạn văn trong truyện ngắn Những người thợ xẻ, một thuộc phần mở đầu, một ở lời kết:
“Hai bên bạt ngàn là ngô và bông. Những dãy núi đá vôi trập trùng cao ngất. Chúng tôi đi men ở dưới chân núi, vừa bé nhỏ, vừa cô đơn, lại liều lĩnh, mà bất lực, thậm chí vô nghĩa nữa. Bạt ngàn là hoa ban trắng, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?”…
“Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc. Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không?”(8)…
Mấy câu trên tả cảnh ngày ra đi. Đối sánh với thiên nhiên và thế giới tự nhiên, con người càng trở nên nhỏ bé. Ở đây xuất hiện hai không gian của sự “bạt ngàn”. Với ngô và bông vốn là thứ nhân vi thì chìm khuất, bị nuốt chửng đi trong mê trận của những dãy núi đá vôi trập trùng, còn hoa ban trắng của thế giới nguyên sơ thì vượt lên, chiếm lĩnh tất cả, bao trùm tất cả, hóa thành một màu ban trắng bạt ngàn, “màu trắng đến là khắc khoải, đau lòng”. Nhưng màu hoa ban ấy: “Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?”. Đương nhiên cả nghìn năm trước, cả vạn năm trước, đời đời kiếp kiếp trước đây, hoa ban vẫn trắng thế thôi. Đi từ lời kể đến tự vấn, Nguyễn Huy Thiệp đã đặt không gian hoa ban mơ ảo tiên giới một màu tinh khiết trong cái đẹp dằng dặc miên viễn của thời gian quá khứ.
Tiếp đến ba câu văn sau tả cảnh ngày về gắn với giấc mơ hư ảo. Nhân vật “tôi” chuyển hóa thành “chúng tôi” để xác nhận một sự thật hiện hữu, một đảm bảo khách quan, hư ảo thiên giới thế đấy mà vẫn là sự thật nhãn tiền. Lại gặp lại một màu hoa ban trắng. Ở phần mở đầu, con người đi trên đường núi gặp bạt ngàn là hoa ban trắng thì bây giờ, trên cõi tiên giới bảy sắc cầu vồng lại nhận ra bạt ngàn là “hoa ban trắng bên đường”, kéo con người trở lại cõi đời thực tại, phàm trần, cụ thể. Câu hỏi về màu hoa ban được lặp lại, chỉ thay đổi duy nhất một chữ “trước” thành chữ “sau”: “Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không?”. Với người đọc, câu văn ở phần mở đầu và đoạn kết nối với nhau trong một trường liên tưởng, khơi gợi sự đối sánh thân phận mỗi con người trước vô cùng vô tận của vẻ đẹp hoa ban một màu tinh khiết. Đó cũng chính là vẻ đẹp của những giá trị nhân văn và ngôn từ nghệ thuật làm nên ma lực truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn Nguồn: VHQN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét