Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

THỬ LÝ GIẢI HIỆN TƯỢNG THƠ “NHẬP ĐỒNG”

Câu chuyện GSTS Hoàng Quang Thuận viết thơ bằng cách “ngắt xuống dòng” những câu văn vần của người khác thì đã rõ mười mươi. Tuy vẫn còn một vài ý kiến cho rằng lỗi là do Hoàng Quang Thuận quên không viết cái References, một điều tối quan trọng đối với bất cứ nhà khoa học nào, nhưng ai cũng biết đó chỉ là lời nói ngụy biện cho một hành vi có chủ đích chứ hoàn toàn không phải do sự vô tình.
Trong nước: thơ của Hoàng Quang Thuận được cả một dàn đồng ca xưng tụng ngút trời; được đủ các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết, báo mạng, truyền hình từ trung ương đến địa phương ra sức đưa tin ầm ĩ suốt bao năm; được đóng thành sách với toàn những kỉ lục hàng đầu châu Á, được trưng bầy ở những nơi trang trọng nhất như Thiền viện Trúc Lâm và Bảo tàng Hà Nội. Ngoài nước: thơ Hoàng Quang Thuận nhận được lời cảm tạ của tổng thống Pháp; tổng thống Mĩ dù có bận rộn đến thế nào chăng nữa cũng phải dành thời gian nghiên cứu; những tuyệt tác thi ca có một không hai ấy đã được mang vào giảng dạy trong trường phổ thông ở tận xứ sở Mĩ xa xôi vạn dặm; và trên tất cả, lần đầu tiên thơ Hoàng Quang Thuận đại diện cho cả nền văn học Việt đi giật giải Nobel, được trình lên UNESCO để công nhận là di sản tư liệu thế giới…

Một câu hỏi đặt ra là: sau mỗi sự kiện chấn động văn giới nước nhà như thế, chẳng lẽ Hoàng Quang Thuận không mảy may nhớ rằng những câu thơ trong tập Thi vân Yên Tử hầu hết được chép lại từ trong sách “Chùa Yên Tử, lịch sử - truyền thuyết di tích và danh thắng” của tác giả Trần Trương? Đúng là Hoàng Quang Thuận đã không nhớ và đến giờ cũng vẫn chưa nhớ nổi cái “tài liệu tham khảo” đã giúp ông làm nên cái tập thơ ồn ĩ đó! Lí do tại sao Hoàng Quang Thuận lại quên? Chỉ có ông mới trả lời chính xác được câu hỏi này. Song, trong một chừng mực nào đó, độc giả cũng có thể suy đoán một phần căn nguyên, bởi mọi sự việc hiện tượng diễn ra trong cuộc sống đều có logic của nó, chẳng một sự kiện nào là không có lí do và nguồn gốc.

Hãy thử làm một phép suy đoán giống như khoa học thực nghiệm thường làm: căn cứ vào hiện tượng, đưa ra giả thiết, lập luận chứng minh cho giả thiết đó. Trong trường hợp này, giả thiết rằng Hoàng Quang Thuận không hề viết những vần thơ đó, mà có một người khác viết thay. Giả thiết này hoàn toàn có cơ sở, hoàn toàn có chỗ đứng trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Đã xảy ra không ít chuyện cười ra nước mắt, ví như: cuốn sách của giáo sư A viết được ca ngợi hết lời, mai mốt giáo sư B kiện giáo sư A đạo văn của ông; trong lúc giáo sư A đang bối rối chưa hiểu tại sao mình đạo văn và đạo bao giờ, đạo của ai, còn giáo sư B bắt đầu được tâng bốc lên tận mây xanh, thì bất thình lình trên mạng có người tố cáo vẫn cuốn sách ấy ông giáo sư B đạo văn của một ông giáo sư lạ hoắc ở tận bên Mĩ mà chẳng ai để ý đến.
Câu chuyện trái khoáy này có cách lí giải hết sức đơn giản: rằng giáo sư B khi nhận công trình viết sách chỉ nhận tiền, công việc giao hết cho cậu học trò làm, cậu học trò bất đắc dĩ phải làm nên làm đối phó bằng cách dịch lại sách của một ông giáo sư Mĩ; khi giáo sư A nhận một công trình viết sách khác, ông lại giao cho cậu học trò, cậu này lười hơn nên mở sách của giáo sư B ra chép nguyên văn. Cuối cùng cả hai vị giáo sư đều không biết mình đạo văn, nên khi bị tố cáo các vị ấy chỉ là nạn nhân. Cách xử lí của cơ quan chức năng cũng hết sức nhẹ nhàng, với lí do các vị quên không ghi đầy đủ cái References, đề nghị lần tái bản sau nhớ ghi đầy đủ!

Thực tế cuộc sống chỉ ra rằng, một sản phẩm của trí tuệ mà không phải do mình bỏ mồ hôi công sức sáng tạo ra, thì chắc chắn người chủ sở hữu ảo sẽ không đủ khả năng để tự thẩm định chính xác công trình ấy hay dở đến đâu. Nếu là một công trình dở, khi được dàn đồng ca xung quanh tụng xưng hết lời, đến một lúc nào đó người chủ sở hữu ảo ấy sẽ tưởng là công trinh của mình thật và ngộ nhận về giá trị của nó.
Nhiều câu chuyện về đạo văn của các vị giáo sư tiến sĩ xảy ra trong thời gian gần đây đã minh chứng cho điều này, cũng như nó hoàn toàn có thể được lí giải theo cái logic vừa nêu. Một anh hiện đang học đạo diễn trường Sân khấu Điện ảnh, anh quay được cảnh con trai anh thi tốt nghiệp mẫu giáo năm vừa rồi. Vì con anh ngu ngơ nhất lớp, nên vào phòng thi được cô giám thị xếp ngồi cạnh bạn giỏi nhất lớp. Câu hỏi tình huống: sau Thứ 3 là Thứ mấy? Các cháu chỉ được phép khoanh một tình huống: Thứ 2, Thứ 4 hoặc Thứ 5. Con anh khoanh tròn vào Thứ 5, khoanh xong hai tay vờ như chống cằm để che đôi mắt đang liếc nhìn bài của bạn bên cạnh. Thấy bạn khoanh Thứ 2, con anh vội vã xóa kết quả của mình đi rồi bắt chước khoanh theo bạn. Anh bạn không buồn vì con trả lời sai, mà buồn vì không hiểu ai dạy cháu cách quay cóp bài? Ai dạy thì không biết, nhưng có một điều biết chắc chắn đó là nguyên do từ bệnh thành tích mà ra. Mẫu giáo đã vậy, còn hệ thống đào tạo học vị hiện nay thì sao? Ai dám chắc mấy nơi đảm bảo đào tạo nghiêm túc? Luận văn thạc sĩ, tiến sĩ các vị có làm thật hay chỉ việc bỏ tiền ra mua?
Chuyện thật mà nghe thì rất khôi hài: một vị bác sĩ ở Hà Nội làm tiểu luận tốt nghiệp lớp quản lí nhà nước lại viết về vụ kiện tụng đất đai tận Bến Tre?! Còn hệ thống phong học vị, lệu có đảm bảo công tâm? Hay vì những lí do nào khác mà vẫn có đầy rẫy những cá nhân không xứng đáng vẫn được phong làm phó giáo sư, giáo sư?

Câu chuyện của Gs Ts Hoàng Quang Thuận rồi cũng sẽ khép lại, cuộc sống lại trở về với muôn thuở như nó vốn có, nhưng sẽ rất buồn khi mà hiện tượng như Hoàng Quang Thuận vẫn đang còn phổ biến ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực.
TRẦN VĂN PHÚC
Nguồn: LTN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét