Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Nhà thơ Lâm Huy Nhuận: Buồn cũ còn riêng một hũ đầy!

Như Bình










Tầng 3 căn chung cư cũ, căn phòng nhỏ của vợ chồng nhà thơ Lâm Huy Nhuận đầy ắp sách và thuốc. Sách cổ kim đông tây bày la liệt từ trên giá tràn xuống đất, nằm lô xô chồng chéo lên nhau như để cố chen cho mình một chỗ trú chật hẹp. Dưới sàn nhà, thứ thuốc của người làm đông y như thuốc lá, thuốc nam, thuốc bắc gói nhỏ, gói to bày la liệt chật cả lối đi. Lâm Huy Nhuận vẫn thường ngồi bệt dưới sàn nhà, lút mình bên chiếc bàn trà theo kiểu của người Nhật. Chiếc bàn bé nhỏ, Lâm Huy Nhuận cũng bé nhỏ giữa bộn bề xung quanh…

1. Thực ra có lẽ chỉ có những người Hà Nội cũ, ở những căn gác chung cư cũ mới thịnh hành loại bàn trà kiểu tiết kiệm tối đa diện tích này. Lần nào đến đây, tìm gặp Lâm Huy Nhuận, tôi cũng có cảm giác như Lâm Huy Nhuận từ lâu rồi, chưa từng có thói quen rời khỏi chiếc bàn ấy. Lâm Huy Nhuận như chưa từng tách rời với căn gác nhỏ, ngôi nhà nhỏ, mọi thứ như bủa vây ông bởi xung quanh cơ man là sách và thuốc. Vào nhà Lâm Huy Nhuận, ngồi xuống chiếc bàn trà bé nhỏ ấy, ngút ngát trong mùi thơm buồn buồn của đủ các loại cây rễ thuốc bắc, tự dưng thấy mùi sách xông lên. Thứ mùi lưu cữu của những cuốn sách quý, thơm mùi ủ mục rưng rưng. Tự dưng thấy thương thương người đàn ông có tên Lâm Huy Nhuận ấy, như thương về một bến mê nào đó hư thực xa xăm trong những câu thơ đẹp lộng lẫy của cố thi sỹ Yến Lan.
Tôi không biết bắt đầu với Lâm Huy Nhuận thế nào. Trong bức chân dung của mình, tôi thấy những nét cọ bằng ngôn ngữ đầu tiên tôi tạo về ông tự dưng tràn đầy một cảm giác cô độc. Lâm Huy Nhuận cười đấy, nói đấy mà trong đáy mắt khóc (sở dĩ tôi đặt tên cho đôi mắt của ông là mắt khóc vì khi nói chuyện với người đối diện, mắt của Lâm Huy Nhuận nheo nheo, nhỏ tí và khắc khổ như khóc). Tôi cố nhìn sâu vào mắt ông mà tôi không hề nhận ra hay tìm đâu một khoảng xanh bình lặng, trong ngần của hậu duệ Yến Lan. Chỉ thấy trong đó một màu đen, bí hiểm và lênh lênh nước một màu đen mới nhìn thì dữ, nhìn lâu lại thấy hiền hiền lại. Ông cười đấy mà tôi thấy mắt ông như đang khóc. Lạ! Lâm Huy Nhuận có tướng khắc khổ, buồn…mặc dù ông tự phong mình là trang lão vô vi…đã lâu không chạm tới nỗi buồn, như kẻ đã bỏ xa mọi cung bậc.
Nhưng cứ nhìn tướng mạo của Lâm Huy Nhuận mà xem, thấy một bể khổ lụy, gian truân, dữ dằn từ trong đôi mắt nhưng nhức cho đến nụ cười, nhưng là nỗi buồn lành được hóa giải nhẹ nhõm. Không biết Lâm Huy Nhuận có buồn hay tự ái gì không khi đọc những dòng này, bởi tôi không thể vẽ chân dung của ông khác đi so với những gì tôi cảm nhận.
2. Lâm Huy Nhuận tự hào mình là người con giống bố nhiều. Ngày nhỏ, ông kể Chế Lan Viên có lần ghé chơi nhà Yến Lan thấy Lâm Huy Nhuận thì thốt lên: Thằng cu này là hình ảnh ông Yến Lan thu nhỏ. Nhưng tôi, dưới một góc độ cảm nhận khác, tôi lại không hề có cảm giác Lâm Huy Nhuận giống bố mình cho dù tôi chưa bao giờ được gặp mặt nhà thơ Yến Lan. Có thể tôi quá yêu những câu thơ châu ngọc trong bài thơ Bến My Lăng nên dù cố gắng so sánh, đặt hai người bên nhau, tôi đều không thể thấy tâm hồn của “Nửa cây, nửa ngợm, nửa người? Nửa con chó đá hú lời sói hoa” (Lâm Huy Nhuận) có chút gì đó của “ Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách/ Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng”(Yến Lan). Yến Lan là người đã tạo ra Lâm Huy Nhuận từ cốt nhục của mình, là một người làm thơ suốt đời, là người có thể tạo ra thi hứng liên tục. Cả cuộc đời chỉ say mê mỗi một việc duy nhất là làm thơ và sống đắm đuối trong cái không gian ảo để tìm ra những câu thơ hút hồn người đọc. Yến Lan là thi sỹ thứ thiệt thì con trai ông, gã Lâm Huy Nhuận chính là phần còn lại thực nhất xù xì nhất, hoang dại nhất nhưng cũng vô vi hư ảo nhất của nhà thơ Yến Lan. Lâm Huy Nhuận là hiện thân của những gì mà nhà thơ Yến Lan không thể hiện.
Ảnh: Anh Tuấn
Lâm Huy Nhuận đã từng viết về bố mình rằng: “Cha tôi ngồi đó/ Nghìn câu thơ vây quanh/ Tuổi cha ngoài sáu mươi/ Mang trái tim nghìn tuổi/ Đôi mắt mới lên mười/ Cái nhìn nêu câu hỏi/ Sợi tóc xòa bóng nhạc/ Xuống từng ô giấy hoa/ Con thèm được ngơ ngác/ Như cái nhìn của cha”.
Nhà thơ Lâm Huy Nhuận tự biết mình không ngơ ngác, và trong veo như cái nhìn của cha ông. Người đàn ông bước ra từ cốt nhục của Yến Lan thực tế hơn, quậy phá hơn, đơn độc hơn, nổi loạn hơn khi muốn vượt phá khỏi những rào cản, những thực tế phũ phàng của cuộc sống. Lâm Huy Nhuận từng đi lính và trở về sống sót sau chiến tranh. Những người lính trở về sau chiến tranh trong cuộc hội nhập thời bình như ông nhập cuộc được với cuộc sống thời bình thật không đơn giản. Chính vì vậy mà gã đơn độc hơn, nghiệt hơn, buồn hơn trong những lối đi trên đường đời của mình.
Một người bạn của Lâm Huy Nhuận đã từng viết chân dung về ông: “Lâm Huy Nhuận đối xử bạc bẽo với thơ, với họa”. Một khi đối xử bạc bẽo với niềm đam mê, sự say đắm tôn thờ nhất của mình, thì có nghĩa là ông bạc bẽo với chính mình, với thân phận, số phận mình và với cả những khát vọng mà ông chưa bao giờ đeo đuổi. Sự yêu nghiệt trong cá tính sáng tạo của ông mà một thời Lâm Huy Nhuận trở nên nổi tiếng là gã họa sỹ “Tôm ôm đá, cá trên mái nhà, đàn bà một vú, hổ tứ đuôi”.
Những bức tranh còn lưu lại trên góc tường nhà cũ kỹ của Lâm Huy Nhuận cho thấy một sự nổi loạn đáng sợ. Nhìn những bức họa ấy người ta thấy ám ảnh một khát vọng vượt thoát, hay một sự chìm đắm trong cuồng giận và bất lực. Những bức tranh khó bán, khó chơi, khó trưng bày bởi sự ám ảnh đa chiều của nó. Thậm chí, có nhiều người xem tranh ông đã thốt lên rằng, có cảm giác như Lâm Huy Nhuận vẽ những linh hồn nổi giận hay những hồn ma bước ra từ sự nổi loạn của ông.
3. Không giống như cha mình, thi sỹ thứ thiệt, ngồi đâu cũng nghìn câu thơ vây quanh. Nhà thơ Lâm Huy Nhuận viết ít, viết khó nhọc, và xét cho cùng, so với bạn hữu đương thời, vốn liếng thi ca của Lâm Huy Nhuận sau mấy chục năm làm biên tập viên thơ ở Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến lúc về hưu nhón lại cũng chỉ vài ba trăm bài thơ mỏng tênh trong hai tập thơ con con của đời thi sỹ. Lâm Huy Nhuận không lấy thế làm sự phải nghĩ. Trong khi thông thường với những người đã trót mang danh phận nhà thơ, ai cũng cố viết, cố sáng tác nhiều để sự nghiệp thi ca của mình dẫu có trình làng thì cũng đầy đặn bằng ai. Lâm Huy Nhuận không thế. Ông khủng khỉnh với những bài thơ viết trong góc tối một mình. Những bài thơ gầy guộc như chính bản thân ông chỉ lóe sáng trong những cuộc nhậu thơ say mềm môi.
Bạn bè ông trong những cuộc nhậu thơ ấy giật thót mình khi nghe những câu thơ của gã thi sỹ hay rượu vang lên trong những lúc đôi mắt khóc của ông lênh lênh nước nhất: “Ngửa tay/ Ngửa tay/ Ai cho/ và/ Ai vay/ Ngày sấp với chợ đời/ Đêm nằm lưng lạnh ngắt/ Rờ mãi không thấy mặt/ Của mình/ Nơi đâu”. Hay: “Và đôi lúc/ Chúng ta buồn/ Quá thể/ Ném lên trời/ Một vài/ Câu hát chơi/ Không nghĩa lý/ Không gì gì/ Hết thảy/ Đôi câu thơ/ Ngọ nguậy/ Cuối chân trời”. “Tôi cố nhổ nước bọt/ Vào bóng đêm đang sáng/ Bóng đêm ơi? Ta lỡ nghiện ngươi rồi”. “Tự mình xông đất cho mình/ Căn phòng vắng ngắt lặng thinh suốt mùa/ Tự đốt pháo, tự giao thừa/ Bắt tay chúc tết như vừa thấy nhau/ Giật mình hai mắt trũng sâu/ Người trong gương ấy còn đau hơn mình”.
Bạn bè nghe thơ của Lâm Huy Nhuận qua những chiếu rượu khi ông lên đồng cùng hơi men. Nghe thơ ông, thương những câu thơ bị Lâm Huy Nhuận đối xử bạc bẽo. Họ rủ nhau cóp nhặt lại, in cho ông một tập thơ mong mỏng. Tôi biết Lâm Huy Nhuận đã giấu trong men rượu, trong đêm, hay khi đối diện một mình với nỗi cô đơn nguyên thủy, ông sẽ lại khóc trong đáy mắt khi cầm tập thơ của bạn hữu đã dồn sức làm cho ông. Những câu thơ, những bài thơ bị ông ghẻ lạnh, hắt hủi rồi cũng có lúc lũ lượt kéo nhau về với ông, người đã sinh ra những câu chữ này trong thứ tình huyết thống không buông bỏ được. Đó là tập thơ Chiều có thật, tập thơ thứ hai sau tập Những tiếng chim in tháng 2 năm 1999 với vỏn vẹn 72 bài thơ sau những lần nhả thơ trên chiếu rượu.
Ngót nghét cũng đã 13 năm, Lâm Huy Nhuận chưa thấy in thêm tập nào nữa. Ông nói thơ là lời thiêng, vì thế ông chắt chiu những lời thiêng cho mình mà không hoang phí. Ông vẫn đang làm thơ, trong âm thầm, chậm rãi. Tập thơ mới mà ông dự định sẽ xuất bản trong năm có tên gọi là Mùi mưa. Vẫn là tận cùng của nỗi cô đơn không chia sẻ. Vẫn là ngôn từ sắc lẻm, táo bạo, kiệm chữ mà đầy ắp một không gian hư ảo, Lâm Huy Nhuận chắt lọc thơ như vợ ông hằng ngày miệt mài chưng cất thứ rượu quý để chồng say với bạn hữu…
Trong Mùi mưa có hai bài thơ ông thích, đó là bài Một nửa: “Nửa cây, nửa ngợm, nửa người/ Nửa con chó đá hú lười sói hoa/ Nửa con chữ ngủ mơ màng/ Giữa ngàn trang sách úa vàng u ơ/ Nửa đời hãi một chùm mơ/ Ngậm trăng, ngậm gió nằm chờ sông nghiêng” và bài Vô lý: “Vô lý trời xanh, vô lý cây/ Vô lý cả tôi dưới sáng ngày/ Theo đêm đi miết, ừ không bạn/ Buồn cũ còn riêng một hũ đầy”.
Vĩ thanh
Không biết có phải một phần của việc đối xử bạc bẽo của Lâm Huy Nhuận với thơ và họa là vì cả thơ và họa không cưu mang nổi gánh nặng của đời ông. Nhà thơ Lâm Huy Nhuận sống bằng nghề xem bát tự, phong thủy và bốc thuốc trị bệnh. Sở dĩ ông nổi danh với nghề bát tự từ một mối duyên với người bạn đã soi hộ đời ông từ cái ngày ông từ rừng xanh trở về thi vào Đại học Văn khoa Hà Nội. Ông gắn bó với nghề bốc thuốc bắc, thuốc nam trị bệnh cứu người là ảnh hưởng từ mẹ. Suốt tuổi thơ, Lâm Huy Nhuận thẩn tha một mình giữa bao nhiêu thùng thuốc bắc ở cửa hàng cân thuốc bắc của mẹ…Những vị thuốc gắn vào đời ông từ đó. Nhưng cả thơ, hay họa, hay bát tự, phong thủy, thuốc bắc cũng chỉ đủ để Lâm Huy Nhuận lặn lội sấp ngửa với đời.
Lâm Huy Nhuận có một câu chuyện dài về món cổ vật đôi lọ lục bình đời Nguyên đã gần 700 năm mà ông đang nắm giữ. Trên đôi lọ lục bình này còn nguyên sắc tứ do vua ban cho Hàn lâm Đại học sỹ Thượng thư Bộ binh có công cho nhà Nguyên nhưng nay đã mất. Con trai được triều đình phong là Thế Tập Nhất Bút Hầu Triệu Mạnh Thuận được dùng một cách kính cẩn trong phủ một mình. Ông chia sẻ vật quý này bằng câu: “Cổ vật tìm đến với chủ chứ chủ nhân không tìm nổi cổ vật”.
Quý giá vậy nhưng ông nói ông không có duyên để giữ nó lại bên mình. Vật quý này vợ chồng ông đang tính nát nước để có thể đổi lấy món tiền cho vợ chồng con cái ông thoát khỏi cái tổ chim lưng chừng trời này đến một ngôi nhà đàng hoàng hơn, một cuộc sống vương giả hơn. Ông tính có thể làm một cuộc chu du với món cổ vật này ra nước ngoài để bán đấu giá. Mừng cho ông và cầu mong cho người đàn ông có đôi mắt hun hút buồn này đạt được ước mơ khi tuổi đã quá chiềujkj

Nguồn:cand

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét