Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Ngọn cỏ

Nguyễn Thị Hoàng Bắc
Viết văn, làm thơ, dạy học.
Đã in: Long lanh hạt bụi (tập truyện), Văn nghệ xuất bản, Hoa Kì, 1988; Bên lở bên bồi (tập truyện), Nxb.An Tiêm, Pháp, 1997; Kéo neo mà chạy, Nxb.Văn mới, 1997.

NGỌN CỎ

tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ

bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa

Lời bình của Inrasara
Bài “Ngọn cỏ” xuất hiện ở tạp chí Hợp lưu năm 1997, đã gây sốc lớn cho độc giả thời điểm ấy. Không ít người trong giới văn chương phản ứng mạnh, bên cạnh đó, nó đã chinh phục được nhiều người, bởi đây là bài thơ thể hiện tinh thần nữ quyền luận rất độc đáo.
Thế giới hôm nay cung cấp cho nữ giới bao nhiêu là tấm gương chói lòa, với đủ đầy phương tiện hiện đại [“bồn cầu” là một trong những]. Người nữ ý thức sâu thẳm và mãnh liệt rằng mình là một nửa nhân loại. Chính họ đã và đang góp phần tạo nên lịch sử thế giới. Chứ không bị đẩy ra bên mép rìa xã hội hay đứng ngoài lề văn học như đã từng nữa. Tại sao họ lại từ bỏ cơ hội ngon ăn kia chứ?
Biên giới giữa nam và nữ đã, đang phải bị/ được xoá bỏ. Nguyễn Thị Hoàng Bắc tuyên như thế trong một cuộc phỏng vấn. Nhưng tuyên là một chuyện, làm thơ là chuyện hoàn toàn khác. Khởi đầu, hơi thơ “Ngọn cỏ” đi mạnh mẽ và trang trọng như bao bài thơ hiện đại khác. Người đọc ngỡ sẽ bắt gặp nỗi gồng mình [phê phán hay tuyên bố gì đó đại loại] ở câu tiếp theo, như đã từng thấy sự thể biểu hiện ở thơ nữ trẻ mấy năm qua. Nhưng không, bài thơ bỗng chuyển hướng qua giọng phớt đời, khinh bạc rồi bất ngờ bẻ ngoặt sang đùa cợt đầy khiếm nhã!
Chẳng có gì nghiêm trọng cả! Nếu không có “ngọn cỏ gió đùa” đột ngột kia, bài thơ chỉ dừng lại ở ngưỡng nữ quyền luận hiện đại: nghiêm trọng và không kém quyết liệt. Nhưng chỉ cần một giễu nhại, tất cả đã lột xác: bài thơ làm cú nhảy ngoạn mục sang bờ bên kia của mĩ học hậu hiện đại.
Tính chất nghiêm cẩn của giọng thơ đã được tháo gỡ. “Ngọn cỏ gió đùa” thời Hồ Biểu Chánh đã lui vào hậu trường lịch sử. Nó được Nguyễn Thị Hoàng Bắc giải phóng. Hãy để cho ngọn cỏ tự do đùa với gió mà không buộc nó phải chịu phận so đo trong tinh thần phân biệt đối xử với sự đái. Cả sự đái của đàn bà cũng được cởi trói, qua đó thân phận tòng thuộc của chị em được giải phóng.

Nguồn: Inrasara

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét