Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Tuý bút về TRỜI & ĐÀN BÀ...




Cuộc đời, nhìn gần một chút thì là bi kịch, mà nhìn xa một chút thì lại là hài kịch, William Shakespeare đã từng nói như vậy. Ba mươi mấy năm qua, ta chẳng đời mình là bi hay hài, mà có hài hay bi thì cũng để nói lên điều gì chứ, ta đâu có quan tâm gì cho mệt xác. Những vòng xoáy của cuộc nhân sinh đã quá đủ để quay quắt với đời, những trồi sụt của bể dâu đã quá đủ để ngậm ngùi, những nhục vinh nỗi tiếng và tai tiếng đã quá đủ để chẳng cần phải thốt thưa thêm gì nữa. Thế thì bi hay hài đâu còn là quan trọng. Giờ ta chỉ muốn ngồi phệt xuống đời, tựa lưng vào năm tháng, ngậm chéo môi một mẩu xì gà, ngó nhân gian xuôi ngược, tai mở ra nghe sống núi tấu khúc hoan tình. Giờ thì ta đã hiểu cái cảm giác lúc Trịnh viết câu: "Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi, mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời..."
Thì ra, để có được cái cảm giác "Ta và cuộc đời đã tha thứ cho nhau" không đơn giản chút nào. Nói thì dễ, nhưng thực hành được điều đó thật khó như lên giời. Mà giời thì chẳng những cao mà còn mông lung bỏ mẹ đi được. Đám khoa học gia dùng đủ loại máy móc siêu vi, ngó mãi chẳng thấy đâu là bến bờ của trời, đâu là ngoại biên của trời, chỉ thấy, ngoài trời lại có trời, nên ta nghĩ, trời cũng chỉ là một thứ vớ vẩn chẳng khác chi đàn bà cả, cũng đều là một thứ không đáy, không có đường biên, vô lượng tham lam và vô cùng cháy bỏng.(Làm ơn tha cho ta nhé, hỡi những ai là đàn bà, còn trời thì kệ, tha cũng được mà không tha cũng được, ta đang say...). Bởi trời là một thứ dớ dẩn như thế, nên khi ta say, khi ta uống, ta cũng chỉ biết hát cho trời nghe thôi. Những khúc túy ca chấp chới cả mười nghìn thế giới, lay động cả nước sông Hằng và đánh thức cơn ngủ vùi của tất cả cát có trong mọi sa mạc trên thế gian này. Trong những lúc như thế, ta thấy một đám bạn hiền đang ngồi chơi tá lả với nhau. Nào là những đám hiện sinh như Martin Heidegeer, Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Franz Kafka, Albert Camus và Fyodor Dostoevsky ngồi chung một chiếu. Nào là những đám thần tiên phật thánh, mà những cái tên kể ra là đảm bảo một trăm phần trăm mai ra đường kiểu gì cũng bị ăn đập, họ cũng đang ngồi chung một chiếu. Nào là đám Mác Ăng Lê Xít Mao Hồ Đặng cũng ngồi chung một chiếu... Thật nhiều đám, thật là vĩ đại. Hệ số choán của các đám, nếu kể hết sẽ chiếm gần sạch số nguyên dương, lại còn phải thừa số cho vô lượng số thành viên nội hàm nữa, thật là kinh. Thật là thất kinh. Ơ... cái chữ "thất kinh" ta vừa nói à, thế lại phải chửa à? Sách dạy, cứ thất kinh là chửa tuốt, chửa dễ và nhanh như lợn í. Nguyễn Du chả viết là: "Thất kinh nàng chửa mấy lần" đó sao!? Quả thực là kinh! Mà cái chữ "Kinh" nhiều người ngại nói lắm, sợ bẩn mồm mà. Tiên sư đời, toàn chữ đẹp lại đi "kinh"! Thề, cha thằng nào nói láo. Ai không tin về mua cuốn Ngữ Lâm Thú Thoại của hai tác giả Triệu Bá Bình và Thời Học Tường, do nhà xuất bản Tù Thư - Tứ Xuyên xuất bản năm 2002, đọc sẽ rõ cả thôi. Sẽ rõ từ Kinh Đô đến... Kinh Nguyệt, từ Kinh tế đế Kinh Bang Tế Thế... cũng đầy một đống!
Bởi trời là mớ hổ lốn và bao quát đủ mọi loại dớ dẩn như thế, nên khi ta say, khi ta uống, ta cũng chỉ biết hát cho trời nghe thôi. Trời có tai cả đấy. Trời có mắt cả đấy. Trời có chân cả đấy. Trời còn có cả họ nữa đấy. Mấy thứ trời có đó, không tin về đọc lại Tam Quốc, xem cái đoạn Gia Cát Lượng bẻ lưỡi bọn hủ nho ở Đông Ngô sẽ rõ. Riêng cái chuyện trời có chân, thì không cần giở sách, đêm đến, tắt điện là nghe kêu oay oáy: "Trời ơi, dạng cẳng ra!!!", thì biết ngay là, nếu trời không có chân sao lại có thể dạng cẳng ra. Ấy thế nên giữa TRỜI & ĐÀN BÀ là hai thứ có quan hệ rất mật thiết với nhau, có họ với nhau, thuở sáng tối mới phân chia, nghe đồn, TRỜI & ĐÀN BÀ là hai kẻ sinh đôi. Nên từ đó đến chừ, căn tính di truyền còn lại trội nhất là: Thích là nắng, thích là mưa, không thích là lừ đừ tốc váy lên giông cho một phát. Kiểu thế. Đại loại thế. Đếch biết đâu mà lần.
Mà khi "đếch biết đâu mà lần" thì người ta lại thích đi xem bói. Nguồn gốc xa xưa của việc bói toán lại khởi từ Kinh Dịch (lại có kinh, hết chửa). Nguồn gốc của Kinh này thì ma mị và đầy thú vị, các vị ai muốn cảm nhận được sự thú vị ấy thì nên đọc khi đi ị, ngẫm cái âm dương thụt thò, lớn bé, tiểu đại, trong ngoài, trên dưới, đỏ xanh, nóng lạnh v.v... sau đó úp lên nhau, đè lên nhau, chồm lên nhau, cưỡi lên nhau, sẽ thành 64 quẻ. Từ đó luận ra đủ thứ trong trời đất này (tất nhiên vẫn không loại trừ đàn bà). Mà cũng lạ, trong các loại Kinh, thì thứ kinh này kinh sợ nhất. Khổng Khâu (Người phát minh ra việc phá trinh đầu tiên, vì ông tên là Khâu, người nước Lỗ, họ Khổng, tức là to. Tạm hiểu là khâu cái lỗ rất to!), sau này người đời gọi là Khổng Tử, có viết: "Phù Dịch khai vật thành vụ, mạo thiên hạ chi đạo, nhi tư nhi dĩ. Thị cố thánh nhân dĩ thông thiên hạ chi chí, dĩ định thiên hạ chi nghiệp, dĩ đoán thiên hạ chi nghi". Có nghĩa là, Dịch mở ra muôn vật, thành mọi việc, trùm khắp đạo của thiên hạ, để định sự nghiệp của thiên hạ, để giải mọi nghi ngờ của thiên hạ. Oách thế chứ không biết! Vậy mà lâu nay hễ cứ nghe đến là kinh!
Bố khỉ, định diễn nốt tí tuồng chữ, từ Kinh đến Nguyệt, thì hết cha mất rượu trong người, đầu đau như búa bổ. Ngó ra trời, trăng chui đi đâu mất, nghe đài quốc gia báo có bão, chắc trăng cũng đi tị nạn mất rồi. À, nói có khi thừa, nhưng trăng, tiếng hán gọi là Nguyệt đấy. Thế mà chả hiểu sao Kinh đi với Nguyệt lại là thứ ấy... của đàn bà. Rõ là người xưa rất đểu! [Nếu không muốn nói là rất bẩn!]. Thôi thì, nhân cái cớ tỉnh rượu, ứ viết nữa, mà có viết nữa đám quan lại chốn này chắc gì đã duyệt cho. Vậy thì dừng ở đây nhỉ?! Có duyên với nhau, nam tử thì cùng nhau cơm rượu gái gú thuốc phiện, nữ nhi thì cùng nhau trăng gió mây mưa, sẽ bàn tiếp những gì còn dang dở, lúc đó vẫn chưa có muộn mà... (Dự báo sẽ có nhiều thú vị!)

TRỊNH TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét