Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

'Vụ ném phao ở Bắc Giang là bài học của ngành giáo dục'

"Vụ lộn xộn ở Bắc Giang lỗi đầu tiên là ở người lớn. Nếu hội đồng thi làm nghiêm, giám thị, thanh tra nghiêm thì đã không xảy ra và các em cũng không thể quay clip", nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long trả lời VnExpress.


>'Em còn nhiều clip ném phao thi chưa công bố'/ Clip ném 'phao' vào phòng thi xảy ra ở Bắc Giang

- Từng nhiều năm là Trưởng ban chỉ đạo thi Bộ GD&ĐT, ông suy nghĩ thế nào khi xem clip học sinh quay cóp, giám thị ném phao thi xảy ra tại Bắc Giang?
- Tôi cảm thấy rất buồn vì sau một thời gian thực hiện cuộc vận động "hai không", tôi nghĩ tính tự giác của cả giáo viên và học sinh ngày càng tiến bộ, thì lại biết được cảnh này. Hiện tượng này không phải phổ biến, không đại diện cho bức tranh thi tốt nghiệp cả nước nhưng thực sự là điều đáng quan tâm, suy nghĩ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long: "Những năm tới cần hướng tới kỷ cương trong thi cử". Ảnh: Hoàng Thùy.
- Nhiều người cho rằng sau khi thanh tra Bộ rút về và phong trào "hai không" dần đi xuống thì việc coi thi tốt nghiệp càng được nới lỏng, ông nói gì về điều này?
- Tôi cho rằng đã thi cử là phải có thanh tra, giám sát. Đặc biệt, đối với kỳ thi tốt nghiệp có quy mô toàn quốc như thế này thì chức năng, nhiệm vụ của thanh tra là không thể bỏ qua. Chúng ta biết rằng mỗi lớp học cũng cần phải kiểm tra và có giáo viên trông coi. Tôi thấy ở các nước phương Tây thi rất nghiêm. Mỗi phòng chỉ một thầy (hoặc một cô) nhưng mọi người đều tự giác làm bài. Tuy vậy, để có tự giác phải có quá trình rèn luyện lâu dài.
Tôi đánh giá khi có thanh tra Bộ tại các điểm thi thì mọi việc sẽ nề nếp, hiệu quả hơn. Bất kể việc gì kể cả khi phân cấp nếu có sự chỉ đạo cấp Nhà nước đều rất tốt. Bên cạnh đó việc phân cấp công tác thi tốt nghiệp cho các địa phương là một bước cải tiến quan trọng. Là năm đầu tiên phân cấp toàn diện nên đây là bài học quý giá, chắc chắn những năm tới sẽ tốt hơn.
- Khi còn đương nhiệm ông từng giải quyết vụ thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo gian lận tại trường Phú Xuyên A, vậy kinh nghiệm để giải quyết vụ Bắc Giang lần này là gì?
- Trường hợp này rất phức tạp vì phương tiện quay là chiếc bút không thể xem lại phần đã quay ngay mà cần màn hình lớn, và vụ việc được phát hiện sau khi kỳ thi đã kết thúc. Vì vậy phải xem xét kỹ, phải có đối chất với những người liên quan như thanh tra, chủ tịch hội đồng thi, phó chủ tịch, giáo viên, học sinh..., từ đó tổng hợp tất cả dữ liệu để kết luận.
Tuy phức tạp, nhưng tôi nghĩ không khó, điều quan trọng là phải làm khẩn trương. Trước đây khi có sự việc, tôi và đoàn thanh tra đã về ngay địa phương làm việc trực tiếp, đối thoại với những người liên quan. Có những việc cần phải gặp trực tiếp, kịp thời sẽ nghe được nhiều hơn chứ báo cáo bằng văn bản không thể nói hết.
Không chỉ có vụ Phú Xuyên A mà vụ Lương Tài, chiều hôm trước có thông tin, sáng hôm sau chúng tôi đã tổ chức đoàn công tác gồm Phó chánh thanh tra, Ban chỉ đạo thi xuống địa phương làm việc. Những vấn đề nóng hổi cần tiếp cận để xử lý ngay.
Tôi cho rằng vụ lộn xộn liên quan đến clip quay cóp, ném bài trong phòng thi ở Bắc Giang lỗi đầu tiên là ở người lớn. Nếu như hội đồng thi làm nghiêm, giám thị, thanh tra nghiêm thì đã không xảy ra và các em cũng không thể quay clip được. Sau việc này ngành giáo dục phải rút kinh nghiệm, quán triệt trách nhiệm đối với cán bộ quản lý các tỉnh khi được phân cấp.
Học sinh quay cóp, chép bài tự nhiên trong phòng thi ở trường THPT Đồi Ngô. Ảnh cắt từ clip.
- Hiện nay những người tố cáo tiêu cực trong thi cử chưa được bảo vệ. Theo ông cần có chính sách gì để khuyến khích mọi người tham gia tố cáo tiêu cực?
- Chúng ta cần nhìn nhận việc nào có công thì cần đánh giá đúng, việc nào vi phạm quy chế thì phải xử lý. Tuy nhiên phải căn cứ vào tình huống cụ thể. Quy chế là chung nhưng trường hợp cụ thể không giống nhau. Trường hợp clip ở Bắc Giang, học sinh dùng bút quay, cái này tương đối mới so với trước đây là dùng điện thoại. Theo tôi, em này ở chừng mực nào đó đã có công tố cáo. Cái đó là ý thức tốt.
Bên cạnh đó em này cũng vi phạm quy chế là đưa phương tiện cấm vào phòng thi. Bản thân việc vi phạm quy chế có nhiều cách: trước khi thi (mang tài liệu vào), trong khi thi (sử dụng tài liệu bị phát hiện) và sau khi thi (hậu kiểm).
- Nhiều người cho rằng với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98% (gần tuyệt đối) thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp mang tính hình thức. Ý kiến của ông như thế nào?
- Trước đây có ý kiến góp ý là tổ chức thi đại học rồi lấy kết quả đó xét tốt nghiệp. Nhưng cái này phải có sự phối hợp vì tổ chức như thi đại học thì vai trò chủ yếu của các trường đại học. Cũng đã có năm chúng ta cử giảng viên đại học về trông thi tốt nghiệp, nhưng chỉ 1-2 năm thì tạm dừng vì cơ chế hành chính quá rườm rà.
Với nền giáo dục Việt Nam hiện nay chưa đến lúc bỏ thi. Vì có kỳ thi tốt nghiệp là cách tốt nhất giúp các em tự giác học tập. Tôi nghĩ chúng ta cũng không nên lấy điểm cao, kết quả đẹp làm mục tiêu phấn đấu mà cần xác định quan trọng là học sinh có được kiến thức gì.
Thi cử là việc quan trọng, việc đổi mới kỳ thi cũng phải có lộ trình. Theo ý tôi, những năm tới cần hướng tới kỷ cương trong thi cử. Trước khi sự tự giác trở thành ý thức thì vai trò của giám thị, cán bộ coi thi, thanh tra rất quan trọng. Chừng nào quy mô thi cử còn lớn, và chừng nào điều kiện kinh tế còn kém thì nên tăng cường 2 yếu tố: thanh tra và chuẩn bị tổ chức thi. Chúng ta cũng phải xem lại chương trình phổ thông sao cho cơ bản và toàn diện.
Vụ việc ở Bắc Giang xảy ra trong năm đầu tiên phân cấp, ngành giáo dục cần rút kinh nghiệm nhiều. Sau vụ này, Bộ nên kiểm tra trong toàn ngành xem địa phương nào làm tốt, chưa tốt. Việc chấm thẩm định nên chấm nhiều hơn ở những năm đầu tiên phân cấp để xem độ chính xác ra sao.
Hoàng Thùy thực hiện
 Theo Vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét